Ngày đăng: 22/06/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ khởi sắc sau một tuần khó khăn, khi nhà đầu tư đánh giá Fed quyết liệt hơn và khả năng suy thoái gia tăng. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 641,47 điểm (+2,15%) lên 30.530,25 điểm, ghi nhận phiên tốt nhất trong tháng. Chỉ số S&P 500 tiến 2,45% lên 3.764,79 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất của chỉ số này trong tháng 6. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 2,51% lên 11.069,30 điểm. Các chỉ số chính đã trải qua tuần lao dốc thứ 10 trong 11 tuần qua do lo ngại ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất quyết liệt hơn để kiềm chế lạm phát, điều này gây ra nguy cơ kinh tế suy thoái. S&P 500 sụt 5,8% trong tuần trước, đánh dấu tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Dow Jones rớt mốc 30.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021, và giảm 4,8% trong tuần qua, tương tự với Nasdaq Composite khi mất 4,8%.
- Giá dầu tăng nhờ nhu cầu nhiên liệu trong mùa hè tăng cao, trong khi nguồn cung vẫn khan hiếm vì các lệnh trừng phạt đối với dầu Nga sau cuộc xung đột với Ukraine. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 52 xu (+0,5%) lên 114,65 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1,53 USD lên 109,52 USD/thùng. Giá dầu được hỗ trợ khi Giám đốc điều hành Exxon Mobil Corp, Darren Woods, dự báo thị trường dầu khá khan hiếm trong 3 – 5 năm tới. Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy dự trữ dầu thô và xăng tại Mỹ có thể giảm trong tuần trước, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng. Về phía nhu cầu, chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết bất chấp những lo ngại về tăng trưởng kinh tế, dữ liệu tiếp tục cho thấy nhu cầu dầu mạnh mẽ. “Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ cải thiện hơn nữa, được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, du lịch mùa hè ở Bắc Bán cầu và thời tiết ấm dần lên ở Trung Đông. Với tăng trưởng nguồn cung thấp hơn tăng trưởng nhu cầu trong vài tháng tới, chúng tôi tiếp tục dự báo giá dầu tăng cao”, ông Staunovo chia sẻ. Thị trường cũng nhận được hỗ trợ bởi những lo ngại về nguồn cung sau các lệnh trừng phạt đối với dầu Nga, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới, và những lo ngại sản lượng của Nga có thể giảm do các lệnh trừng phạt này.
- Sau khi giảm nhẹ 2 USD/ounce trong phiên giao dịch trước, giá vàng thế giới đêm qua có lúc bứt phá đi lên nhưng không vượt qua mức cản 1.845 USD/ounce. Chốt phiên, giá vàng phải lùi về 1.832 USD/ounce, giảm thêm 6 USD so với mức giá cùng thời điểm hôm trước là 1.838 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8-2022 cũng giảm 3,5 USD/ounce, giao dịch lần cuối ở mức 1.832 USD/ounce. Theo giới phân tích, giá vàng hôm nay tiếp tục suy yếu trong bối cảnh chứng khoán quốc tế và trái phiếu Mỹ trở nên hấp dẫn. Tại Phố Wall, các chỉ số Dow Jones tăng 641 điểm, S&P 500 tăng 89 điểm, Nasdaq tăng 241 điểm. Riêng lãi suất trái phiếu Mỹ đứng vững ở mức 3,27%/năm đã thu hút sức mua từ những người quan tâm kênh đầu tư có độ rủi ro thấp. Mặt khác, dữ liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (Mỹ) chỉ ra các quỹ đầu tư vàng giảm vị thế mua vào xuống còn 109.111 hợp đồng, đồng thời tăng vị thế bán từ 14.522 hợp đồng lên 72.206 hợp đồng.