Quay lại

Ngày đăng: 21/10/2019

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
• Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi những thông tin xấu về hai công ty lớn là Johnson & Johnson và Boeing, cùng với dữ liệu u ám về kinh tế Trung Quốc, khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, cho dù các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục công bố những báo cáo kết quả kinh doanh khả quan. Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,95%, còn 26.770,2 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,39%, còn 2.986,2 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,83%, còn 8.089,54 điểm. Tính cả tuần, Dow Jones giảm 0,2%; S&P 500 tăng 0,5% và Nasdaq tăng 0,4%.
• Thị trường chứng khoán Châu Âu tăng giảm trái chiều khi thông tin vòng đàm phán giữa Liên minh châu Âu và Anh liên quan tới thỏa thuận Brexit cũng chưa có kết quả rõ ràng. Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ và Trung Quốc khiến giới đầu tư trở nên thận trọng hơn. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số DAX 30 của Đức giảm 0,17% xuống 12.634 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,65% xuống 5.636 điểm và chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,44% xuống 7.151 điểm. Tính chung cả tuần chỉ số DAX 30 của Đức tăng 0,97%, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm0,52 và chỉ số FTSE 100 của Anh giảm1,33%. Đồng bảng Anh đã leo lên mức cao nhất của 5 tháng trong bối cảnh các nhà đầu tư lạc quan về sự đột phá trong đàm phán Brexit. Đồng tiền này đã chạm mức 1 bảng đổi 1,28 USD, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019 sau các thông tin cho thấy Anh và EU có khả năng đạt được một thỏa thuận “ly hôn” trong tuần này.
• Chứng khoán Nhật Bản ngược dòng ấn tượng trong tuần qua, với mức tăng 3,18% so với tuần trước- đây là tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải  giảm 1,19% xuống 2.938 điểm, khi tâm lý nghi ngờ về một thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên và những tín hiệu tiêu cực mới về nền kinh tế “đè nặng” lên thị trường. Ngoài ra, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 của nước này chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong 27 năm do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung. Dữ liệu này làm dấy lên nỗi lo về sự giảm tốc tăng trưởng lan rộng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
• Ngược với đà giảm ở Trung Quốc Đại lục, chứng khoán Hong Kong có tuần tăng khá tốt với nhóm cổ phiếu bất động sản dẫn đầu đà tăng, sau khi chính quyền khu hành chính đặc biệt này thông báo một số biện pháp nhằm nới lỏng tình trạng thiếu hụt nhà đất và làm dịu tình trạng bất ổn.Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán Hong Kong đã phần nào bị kiềm chế trước sự thiếu chắc chắn liên quan đến đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng như lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Kết thúc phiên cuối tuần, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,48% xuống 26.719 điểm, tuy nhiên, chỉ số này vẫn tăng 1,56% trong tuần qua.
• Giá dầu thế giới quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, xóa sạch đà tăng trước đó để góp phần vào đà suy giảm trong tuần qua, khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc đã làm tăng lo ngại về sự suy yếu nhu cầu dầu cùng với báo cáo gần đây cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng 5 tuần liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11 trên sàn Nymex giảm 15 xu (tương đương 0,3%) xuống 53,78 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức giảm trong tuần lên 1,7%.Hợp đồng dầu Brent giao tháng 12 trên sàn Luân Đôn giảm 49 xu (tương đương 0,8%) còn 59,42 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này sụt 1,8%.

Bản tin phái sinh 21/10/2019 - Kiểm nghiệm vùng hỗ trợ 918-920 điểm
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang