Quay lại

Ngày đăng: 21/07/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm, được hỗ trợ bởi đà phục hồi của nhóm cổ phiếu công nghệ, khi tất cả các chỉ số chứng khoán chính đều đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 6/2022. Đóng cửa, chỉ số Nasdaq Composite tiến 1,58% lên 11.897,65 điểm, chỉ số S&P 500 cộng 0,59% lên 3.959,90 điểm, trong khi chỉ số Dow Jones nhích 47,79 điểm (+0,15%) lên 31.874,84 điểm – tăng ít hơn so với 2 chỉ số còn lại và liên tục trồi sụt trong phiên. Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau đà phục hồi vào ngày 19/7 khi nhà đầu tư, vốn dự báo rằng thị trường có thể đã tìm thấy đáy, chuyển sang các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu công nghệ. Lĩnh vực công nghệ thông tin và tiêu dùng không thiết yếu dẫn đầu đà tăng thuộc S&P 500, với mỗi lĩnh vực tăng hơn 1% vào ngày thứ Tư. Trong khi đó, các lĩnh vực phòng thủ hơn như y tế và tiện ích tụt lại so với thị trường chung. Một số nhà đầu tư được khuyến khích bởi động thái giao dịch gần đây, tin rằng nó đang báo hiệu thị trường giá xuống đã tạo đáy. Cổ phiếu trên sàn NYSE đã đạt được “ngày tăng 90%” vào ngày thứ Ba (19/7) với hơn 90% cổ phiếu niêm yết trên sàn tăng và chiếm hơn 90% khối lượng. Tuy nhiên, những người khác tham gia vào thị trường vẫn hoài nghi về sự phục hồi, khi họ chờ đợi nhiều báo cáo lợi nhuận hơn từ các doanh nghiệp và tìm kiếm thêm manh mối về tình trạng của nền kinh tế. 
  • Giá dầu giảm sau khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy nhu cầu xăng thấp hơn trong mùa hè lái xe cao điểm và khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát đã dẫn đến lo ngại nền kinh tế có thể chậm lại, qua đó làm giảm nhu cầu năng lượng. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 43 xu xuống 106,92 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1,88% còn 102,26 USD/thùng. Dữ liệu cho thấy sản lượng cung xăng – một yếu tố đại diện nhu cầu - ở mức 8,5 triệu thùng/ngày, tương đương thấp hơn 7,6% so với cùng kỳ năm trước. John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLC, nhận định: “Chắc chắn giá xăng cao đã làm giảm niềm tin người tiêu dùng”. Trong khi đó, dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 446.000 thùng trong tuần trước, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 1,4 triệu thùng từ các chuyên gia phân tích. Giá dầu cực kỳ biến động, rơi vào giằng co giữa lo ngại nguồn cung do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và lo ngại về cuộc chiến chống lạm phát có thể làm suy thoái nền kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu. Các chuyên gia phân tích dự báo nguồn cung dầu khan hiếm sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu, trong khi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn. 
  • Giá vàng thế giới giảm mạnh với giá vàng kỳ hạn tháng 8 mất đi 15,2 USD còn 1.694,3 USD/ounce. Trong khi đó, vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.695,9 USD/ounce, giảm 16,5 USD so với phiên trước đó. Giá vàng suy giảm khi thị trường Mỹ đón nhận dữ liệu thị trường nhà ở tháng 6 với doanh số bán nhà giảm 5,4%, đây là tháng ảm đạm thứ năm liên tiếp của thị trường nhà ở Mỹ. Chuyên gia kinh tế trưởng Lawrence Yun của Hiệp hội môi giới bất động sản quốc gia Mỹ (NAR) cho biết việc sụt giảm doanh số bán nhà là do chi phí nhà ở tăng cao khi cả lãi suất thế chấp và giá nhà đều đã tăng quá mạnh trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, đồng USD đã tăng mạnh trở lại sau chuỗi ngày “chững” với chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã tăng 0,34% lên vượt mức 107. Đồng USD liên tiếp tăng mạnh làm xói mòn sức hấp dẫn của vàng đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã vượt mức 3% đã làm gia tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không mang lãi suất này. 
Bản tin phái sinh 21/07/2022 - Kiểm nghiệm ngưỡng cản 1.230 – 1.233 điểm
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang