Ngày đăng: 21/03/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm vào ngày thứ Sáu (18/3) khi các chỉ số chính ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 274,17 điểm (+0,8%) lên 34.754,93 điểm, tăng phiên thứ 5 liên tiếp. Chỉ số S&P 500 tiến 1,1% lên 4.463,12 điểm và chỉ số Nasdaq Composite cộng 2,05% lên 13.893,84 điểm. Cả 2 chỉ số này đều tăng phiên thứ 4 liên tiếp. Cả 3 chỉ số chính đều ghi nhận tuần tốt nhất kể từ tháng 11/2020. Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh mẽ dẫn đến chỉ số S&P 500 vọt 6,1% trong tuần qua. Dow Jones khép lại tuần qua với mức tăng 5,5% và Nasdaq Composite leo dốc 8,1%. Nhà đầu tư tiếp tục đón nhận những tin tức từ Fed hồi đầu tuần, cũng như sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở châu Âu do biến chủng mới xuất hiện và cuộc chiến Nga-Ukraine. Nhà đầu tư cũng đang đánh giá khẩu vị rủi ro của riêng họ. Đà tăng mạnh trong tuần này diễn ra cùng với một mặt của sự biến động, điều này cho thấy không có dấu hiệu lắng dịu sớm.
- Giá dầu giảm tuần thứ 2 liên tiếp, nhưng đã tìm thấy mức sàn trên 100 USD/thùng vào ngày thứ Sáu (18/3) sau khi giao dịch đầy biến động trong tuần này mà không có sự thay thế dễ dàng cho thiếu hụt nguồn cung từ Nga trong một thị trường vốn đã rất eo hẹp. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 1,21% lên 107,93 USD/thùng, sau khi vọt gần 9% vào ngày thứ Năm. Hợp đồng dầu WTI cộng 1,67% lên 104,70 USD/thùng, sau khi vọt 8% vào ngày 17/3. Cả 2 hợp đồng dầu đều giảm hơn 5% trong tuần qua. Giá dầu đã chạm đỉnh 14 năm cách đây gần 2 tuần, dẫn đến các đợt chốt lời kể từ đó. Nguồn cung thiếu hụt từ việc nhà đầu tư né tránh dầu từ Nga, các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, dự trữ dầu cạn kiệt và lo ngại sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu, tất cả kết hợp tạo ra biến động mạnh đối với giá dầu thô. Biến động đã khiến nhà đầu tư sợ hãi rời khỏi thị trường dầu mỏ, do đó càng làm trầm trọng thêm biến động giá. Ngoài ra, đà tăng lãi suất Mỹ cho thấy nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn, điều này có thể là nền tảng cho nhu cầu dầu, sau khi Fed vào ngày 16/3 nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 và đưa ra một kế hoạch tích cực về nâng lãi suất. Trong khi đó, sản lượng từ nhóm các nhà sản xuất OPEC+ trong tháng 2/2022 thấp hơn mức mục tiêu còn nhiều hơn so với tháng trước, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thị trường dầu có thể mất 3 triệu thùng/ngày dầu của Nga từ tháng 4/2022.
- Giá vàng ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong gần 4 tháng vào ngày thứ Sáu (18/3), sau khi nhu cầu trú ẩn an toàn bị ảnh hưởng bởi những hy vọng về tiến triển trong đàm phán hòa bình Nga-Ukraine cũng như ảnh hưởng từ việc Mỹ nâng lãi suất. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 1,14% xuống 1.920,56 USD/oz, chịu sức ép bởi đồng USD mạnh hơn. Hợp đồng vàng tương lai mất 1,2% còn 1.919,60 USD/oz. David Jones, Giám đốc chiến lược thị trường tại Capital.com, nhận định: “Chúng ta đã thấy yếu tố thúc đẩy từ cuộc chiến Nga-Ukraine và làn sóng đầu cơ khổng lồ vào vàng đã hạ nhiệt trong 10 ngày qua”. Vàng đã giảm 2,8% trong tuần này khi sự lạc quan về các cuộc đàm phán hòa bình đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư trên các thị trường tài chính, làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn. “Nếu có một lệnh ngừng bắn hay một thỏa thuận nào đó, vàng có thể giảm nhanh chóng”, Edward Meir, Chuyên gia phân tích của ED&F Man Capital Markets, chia sẻ.