Quay lại

Ngày đăng: 21/02/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

  • Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm vào ngày thứ Sáu (18/02) và ghi nhận 2 tuần giảm liên tiếp, khi xung đột Nga – Ukraine khiến nhà đầu tư lo ngại. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones rớt 232,85 điểm (-0,7%) xuống 34.079,18 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0,7% xuống 4.348,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1,2% còn 13.548,07 điểm. Các chỉ số chính đều giảm hơn 1% trong tuần qua. Căng thẳng đang diễn ra giữa Nga và Ukraine tiếp tục chi phối diễn biến thị trường. Wall Street Journal đưa tin vào ngày thứ Sáu rằng các quan chức Mỹ dự kiến Nga sẽ tấn công trong vài ngày tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden được kỳ vọng sẽ điều thêm quân đội Mỹ đến gần Ukraine, NBC News đưa tin. Ngày thứ Sáu đặc biệt biến động với hàng ngàn tỷ USD các hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai cổ phiếu, chỉ số và quỹ ETF sắp hết hạn. Ngày hết hạn các hợp đồng quyền chọn, thường xảy ra vào ngày thứ Sáu thứ 3 của tháng, có thể khiến thị trường dao động trong phạm vi rộng khi các vị thế này kết thúc. Nhà đầu tư cũng đối mặt với triển vọng chính sách của Fed. Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, James Bullard, người vừa kêu gọi Fed hành động tích cực hơn, cảnh báo rằng lạm phát có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nếu không nâng lãi suất.
  • Giá dầu Brent xóa sạch đà giảm và ghi nhận sắc xanh vào ngày thứ Sáu (18/02), nhưng vẫn giảm trong tuần qua. Triển vọng tăng xuất khẩu dầu của Iran đã lấn át những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung do cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 57 xu (+0,6%) lên 93,54 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 69 xu (-0,75%) còn 91,07 USD/thùng. Lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung do sự hiện diện quân sự của Nga ở biên giới Ukraine đã kìm hãm đà giảm trong tuần qua. Tuy nhiên, một thỏa thuận đang hình thành nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới đặt ra nhiều giai đoạn nhằm đưa 2 bên tuân thủ hoàn toàn, và giai đoạn đầu tiên không bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ngành dầu mỏ, các nhà ngoại giao chia sẻ. Do đó, có rất ít khả năng dầu thô của Iran quay trở lại thị trường trong tương lai gần để giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung hiện nay, các chuyên gia phân tích cho biết. Nguồn cung dầu eo hẹp đã khiến các cấu trúc hợp đồng trong 6 tháng đối với dầu Brent ghi nhận mức bù hoãn bán (backwardation) cao nhất trong lịch sử vào ngày thứ Tư (16/02).
  • Giá vàng giảm nhẹ vào ngày thứ Sáu (18/02), rút khỏi mức quan trọng 1.900 USD/oz khi hy vọng vào cuộc đàm phán Mỹ - Nga xoa dịu tâm trên các thị trường, nhưng lo ngại kéo dài về Ukraine khiến vàng tăng tuần thứ 3 liên tiếp. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay hạ 0,1% xuống 1.896,04 USD/oz, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 là 1.902,22 USD/oz. Hợp đồng này đã tăng 1,9% từ đầu tuần đến nay. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,1% còn 1.899,80 USD/oz. “Những diễn biến mới nhất xung quanh tình hình Nga – Ukraine là tích cực và điều đó khiến vàng giảm nhẹ”, Bob Haberkorn, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định. Sự thoái lui này sẽ diễn ra trong thời gian ngắn vì căng thẳng kéo dài sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng, ông Haberkorn chia sẻ. Fawad Razaqzada, Chuyên gia phân tích tại ThinkMarkets, nhận định: “Nhà đầu tư đang tìm kiếm sự bảo vệ ở các tài sản trú ẩn an toàn như vàng không chỉ vì tình hình Ukraine và thị trường chứng khoán biến động mạnh mà còn vì áp lực lạm phát gia tăng”. Các nhà lãnh đạo tài chính từ các nền kinh tế lớn nhóm G20 vào thứ Sáu đồng ý rằng lạm phát cao và rủi ro địa chính trị có thể đe dọa sự phục hồi toàn cầu mong manh.
Bản tin phái sinh 21/02/2022 - Dao động trong kênh đi ngang
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang