Quay lại

Ngày đăng: 21/01/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

  • Chứng khoán Mỹ lại giảm điểm, xóa sạch đà tăng mạnh hồi đầu phiên, khi Phố Wall tiếp tục gặp khó khăn trong năm nay trong môi trường lãi suất tăng. Kết phiên, chỉ số Nasdaq Composite lùi 1,3% xuống 14.154,02 điểm, sau khi xóa sạch mức tăng 2,1% vào đầu phiên. Nasdaq Composite, chỉ số có nhiều tên tuổi công nghệ lớn nhất trên thị trường, khép phiên ngày thứ Tư (19/01) thấp hơn 10% so với mức kỷ lục đã lập vào tháng 11/2021, cho thấy một sự điều chỉnh kỹ thuật. Chỉ số Dow Jones rớt 313,26 điểm (-0,89%) xuống 34.715,39 điểm, sau khi vọt hơn 400 điểm vào đầu phiên. Chỉ số này khép phiên dưới mức trung bình động 200 phiên lần đầu tiên kể từ tháng 12/2021. Chỉ số S&P 500 mất 1,1% còn 4.482,73 điểm sau khi tăng 1,53% hồi đầu phiên. S&P 500 rớt mốc 4.500 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 10/2021. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 giảm gần 1,9% vào ngày thứ Năm. Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm khi lợi suất trái phiếu Chính phủ vẫn tăng, một phần của việc định giá lại thị trường khi Fed chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng trung ương dự kiến nhóm họp vào tuần tới, với nhiều thị trường dự báo chỉ có một chút khả năng sẽ tác động đến lãi suất. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã kỳ vọng Fed sẽ có 4 đợt nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong năm 2022. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn gắn bó chặt chẽ với chính sách lãi suất của Fed, gần đây nhất ở mức 1,04%, còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chạm mức cao 1,87%.
  • Giá dầu quay đầu giảm nhẹ khi nhà đầu tư chốt lời sau đà leo dốc gần đây, tuy nhiên, nhu cầu mạnh mẽ và sự gián đoạn nguồn cung trong ngắn hạn tiếp tục hỗ trợ giá ở gần mức cao nhất kể từ năm 2014. Đóng cửa, hợp đồng dầu Brent lùi 6 xu xuống 88,38 USD/thùng, sau khi giảm hơn 1 USD hồi đầu phiên. Hợp đồng dầu WTI mất 6 xu còn 86,90 USD/thùng. Tamas Varga tại công ty môi giới PVM cho biết: “Tiếng nói của những người dự báo giá dầu đạt 100 USD/thùng ngày một lớn hơn”. Thị trường cũng được hỗ trợ bởi sự thiếu hụt nguồn cung từ các nhà sản xuất OPEC và đồng minh. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào ngày 19/01 cho biết OPEC+ đã sản xuất khoảng 800.000 thùng/ngày, thấp hơn mức sản lượng mục tiêu trong tháng 12/2021. IEA cho biết trong khi thị trường dầu có thể thặng dự đáng kể trong quý 1/2022, dự trữ dầu thô có thể thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Cơ quan này cũng nâng dự báo nhu cầu năm 2022.
  • Giá vàng chạm đỉnh 2 tháng, được hỗ trợ bởi những lo ngại xung quanh lạm phát và căng thẳng Nga - Ukraine. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay nhích 0,1% lên 1.841,45 USD/oz, mức cao nhất kể từ ngày 22/11/2021. Hợp đồng vàng tương lai gần như đi ngang tại mức 1.842,60 USD/oz. Chuyên gia phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của ActivTrades nhận định: “Bất ổn định chính trị ngày càng tăng, đặc biệt là căng thẳng Nga - Ukraine, cũng đang hỗ trợ vàng”. Nga đã tăng cường quân đội ở biên giới với Ukraine, và các nước phương Tây lo ngại Moscow đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mới. Tuy nhiên, lãi suất tăng vẫn có khả năng là một rào cản vì làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất. Fed có thể thắt chặt chính sách nhanh hơn kỳ vọng khi nhóm họp vào tuần tới, một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy.
Bản tin phái sinh 21/01/2022 - Kiểm nghiệm vùng cản 1.496 – 1.502 điểm
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang