Ngày đăng: 20/12/2021
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ lại chịu áp lực trong phiên đầy biến động ngày thứ Sáu (17/12), trong bối cảnh lo ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và đại dịch Covid tiếp tục diễn biến phức tạp, dẫn đến các chỉ số chính sụt giảm trong tuần qua. Kết phiên, chỉ số Dow Jones rớt 532,20 điểm (-1,5%) xuống 35.365,44 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 1% phiên thứ 2 liên tiếp xuống 4.620,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ gần 0,1% xuống 15.169,68 điểm sau khi tích tắc giao dịch trong sắc xanh. Tại mức đáy trong phiên, Nasdaq Composite đã giảm 1,5%. Các chỉ số chính đều ghi nhận một tuần tiêu cực với Nasdaq Composite giảm mạnh nhất. Theo đó, Nasdaq Composite sụt gần 3%, còn Dow Jones và S&P 500 lần lượt giảm 1,7% và 1,9%. Ngày thứ Sáu trùng với ngày đáo hạn các hợp đồng quyền chọn cổ phiếu, quyền chọn chỉ số, hợp đồng tương lai cổ phiếu và hợp đồng tương lai chỉ số - một sự kiện hàng quý được gọi là “Quadruple witching”, vốn thường đi cùng với sự biến động cao. Nhà đầu tư có vẻ đang xoay chuyển từ các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao sang nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu, khi tiếp tục xem xét động thái mới nhất của Fed cùng với lạm phát gia tăng và sự lây lan của biến thể Omicron. “Khi Fed trở nên ‘diều hâu’ hơn và kỳ vọng nâng lãi suất tăng, nhà đầu tư đang giảm mức độ tiếp xúc với những cổ phiếu tăng trưởng”, Jim Paulsen, Giám đốc chiến lược đầu tư tại The Leuthold Group, nhận định. Hồi đầu tuần này, Fed đã công bố một kế hoạch tích cực hơn để thu hẹp chương trình mua tài sản, đồng thời, xem xét việc nâng lãi suất nhiều đợt vào năm 2022. Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, chia sẻ: “Giao dịch vẫn sẽ rất biến động trong thời gian còn lại của năm khi nhà đầu tư đối mặt với khối lượng giao dịch sụt giảm trong những phiên tới”.
- Giá dầu quay đầu giảm mạnh khiến thị trường ghi nhận mức suy giảm trong tuần qua, khi số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng đã làm tăng lo ngại rằng các biện pháp hạn chế mới có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu. Đóng cửa, hợp đồng dầu Brent lùi 2% xuống 73,52 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 2,1% còn 70,86 USD/thùng. Cả dầu Brent và dầu WTI đều giảm 1,4% trong tuần này. Tại Mỹ, sự lây lan nhanh chóng biến thể Omicron đã khiến một số công ty phải tạm ngừng kế hoạch đưa người lao động trở lại văn phòng. Vandana Hari, Chuyên gia phân tích năng lượng tại Vanda Insights, nhận định: “Những thông điệp thận trọng và cảnh báo về làn sóng nhiễm Covid ngày càng tồi tệ hơn đang bắt đầu vang lên khi sắp đến mùa lễ hội cuối năm, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường”. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, cho biết nhóm này có thể gặp nhau trước cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 04/01/2022 nếu có những thay đổi trong triển vọng nhu cầu. Tuy nhiên, bất chấp mối đe dọa từ Omicron đối với nhu cầu, Goldman Sachs cho biết vào ngày thứ Sáu rằng biến thể mới có tác động hạn chế đến khả năng đi lại hay nhu cầu dầu, thêm vào đó ngân hàng này dự kiến tiêu thụ dầu sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022 và năm 2023. Giá dầu cũng rút khỏi mức đỉnh nhiều năm vào đầu quý 4/2021 do nguồn cung được cải thiện.
- Giá vàng vượt mốc quan trọng 1.800 USD/oz và ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong 5 tuần do lo ngại về sự tăng vọt số ca nhiễm Omicron và lạm phát cao đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn. Khép lại phiên giao dịch, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,2% lên 1.802,12 USD/oz. Từ đầu tuần đến nay, hợp đồng này đã tăng 1,1%. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,4% lên 1.804,90 USD/oz. Phillip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, nhận định: “Tăng trưởng đang chậm lại trong quý tới, và chứng khoán Mỹ đang điều chỉnh rút khỏi mức đỉnh, vì vậy có vẻ như sẽ có sự dịch chuyển đột ngột khỏi chứng khoán sang các tài sản trú ẩn an toàn như vàng”. “Kết quả cuộc họp của Fed là đám mây lớn về sự bất định đối với kim loại quý và bây giờ tập trung sự chú ý là dữ liệu lao động”, ông Streible nói. Fed vào ngày 15/12 đã báo hiệu có 3 đợt nâng lãi suất đến cuối năm 2022, một động thái thường gây áp lực lên vàng khi lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất. Dẫu vậy, giá vàng đã khởi sắc vì triển vọng nâng lãi suất đã được định giá trước khi có thông báo từ Fed, các chuyên gia phân tích cho biết. Vàng tăng giá bất chấp dòng tiền đổ vào đồng USD, vốn cũng được xem là một kênh lưu giữ giá trị an toàn trong thời kỳ địa chính trị bất ổn. Tuy nhiên, “triển vọng trong năm 2022 của vàng vẫn bị che khuất với hầu hết các dự báo nói vàng giảm giá do kỳ vọng lãi suất tăng cao”, chuyên gia phân tích Ole Hansen của Saxo Bank chia sẻ.