Ngày đăng: 20/07/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ khởi sắc với việc thị trường tiếp tục phục hồi từ mức đáy của tháng trước, khi nhà đầu tư kỳ vọng báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ của các doanh nghiệp và dự báo rằng thị trường đã tìm thấy đáy. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 754,44 điểm (+2,43%) lên 31.827,05 điểm – khép phiên gần mức đỉnh trong phiên khi chỉ số này tăng nhanh trong giờ giao dịch cuối cùng của phiên. Chỉ số S&P 500 tiến 2,76% lên 3.936,69 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 3,11% lên 11.713,15 điểm. Nhà đầu tư đang dự báo rằng cổ phiếu đã chạm đáy sau đà giảm sâu trong năm nay, và khi đợt báo cáo lợi nhuận mới nhất cho thấy các doanh nghiệp đang vượt qua áp lực kinh tế tốt hơn so với lo ngại trong quý 2/2022. Báo cao lợi nhuận mạnh mẽ đã thúc đẩy cổ phiếu nhiều công ty, ngay cả khi đồng USD mạnh hơn gây áp lực lên kết quả của một số công ty khác. Tính đến sáng ngày thứ Ba, khoảng 9% số công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 như dự kiến. Trong số đó, khoảng 2/3 số công ty này có lợi nhuận vượt kỳ vọng của các nhà phân tích, dự liệu từ FactSet cho thấy.
- Giá dầu tăng 1% lên cao nhất trong 2 tuần khi thị trường tập trung nhiều hơn vào tình trạng nguồn cung khan hiếm và đồng USD suy yếu, hơn là những lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 1% lên 107,35 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1,6% lên 104,22 USD/thùng. Dầu Brent khép phiên ở mức cao nhất kể từ ngày 04/7/2022 và dầu WTI đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 08/7/2022. Giá dầu tăng đột biến, được hỗ trợ bỏi những lo ngại về nguồn cung do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, tuy nhiên lại bị áp lực bởi những nỗ lực của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhằm kiềm chế lạm phát đã làm dấy lên lo ngại rằng khả năng suy thoái có thể làm giảm nhu cầu năng lượng. Đồng thời, đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần, qua đó thúc đẩy nhu cầu dầu vì làm cho dầu ít đắt đỏ hơn đối với người mua đang sử dụng những đồng tiền khác.
- Giá vàng thế giới gần như đứng yên với giá vàng kỳ hạn tháng 8 vẫn ở mức 1.709,5 USD/ounce. Trong khi đó, vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.712,4 USD/ounce, tăng 3,3 USD so với phiên trước đó. Trong tuần này, chỉ số US Dollar Index liên tiếp giảm mạnh đang hạn chế lợi nhuận bán ra đối với các kim loại quý. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, cộng với thị trường dầu thô chao đảo đang khiến giới đầu cơ vàng giá lên suy yếu. Việc thiếu các thông kinh tế hoặc địa chính trị mới mẻ tác động đến thị trường vào giữa mùa hè đã khiến các nhà giao dịch kim loại chán nản và phải chú ý nhiều hơn tới các thị trường bên ngoài để tìm hướng đi. Hiện các thương nhân và nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ thường kỳ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến diễn ra vào thứ 5. Theo đó, ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm với các nhà quan sát thị trường dự báo mức tăng có thể là 50 điểm cơ bản. Theo các quan chức của Fed, cơ quan này cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm ít nhất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tuần tới.