Ngày đăng: 20/05/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chỉ số S&P 500 giảm điểm, lùi về sát vùng thị trường “con gấu”. Nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu do lo ngại việc Fed nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát sẽ nhanh chóng đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Đóng cửa, chỉ số S&P 500 lùi 0,58% xuống 3.900,79 điểm, sau khi giảm 4% vào ngày thứ Tư (18/5). Chỉ số này đang hướng về vùng thị trường “con gấu”, lao dốc 19% so với mức cao kỷ lục ghi nhận vào tháng 01/2022. Chỉ số Dow Jones rớt 236,94 điểm (-0,75%) xuống 31.253,13 điểm – một ngày sau khi trải qua phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2020 trong phiên trước đó, bốc hơi 1.164 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0,26% còn 11.388,50 điểm, sau khi giảm 4,7% vào ngày 18/5. Chứng khoán Mỹ đã phải chịu áp lực cả năm với việc nhà đầu tư lần đầu chuyển hướng khỏi nhóm cổ phiếu công nghệ được đánh giá cao với ít lợi nhuận. Tuy nhiên, động thái bán tháo kể từ đó đã lan sang nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm ngân hàng và bán lẻ, do lo ngại ngày càng tăng về suy thoái khiến nhà đầu tư lo sợ. Một số chiến lược gia trên Phố Wall đưa ra dự báo ảm đạm đối với cổ phiếu nếu Fed nâng lãi suất khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. GDP trong quý 1/2022 giảm 1,4%. Trong khi đó, Bộ lao động Mỹ cho biết số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên 218.000 người trong tuần kết thúc ngày 14/5, dấu hiệu mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc.
- Giá dầu phục hồi khi các quan chức Trung Quốc có kế hoạch nới lỏng phong tỏa ở Thượng Hải, điều này có thể làm thắt chặt hơn nữa nguồn cung năng lượng toàn cầu, và khi đồng USD giảm từ mức tăng gần đây. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 2,7% lên 112,04 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2,4% lên 112,21 USD/thùng. Tại Trung Quốc, nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ các kế hoạch nới lỏng phong tỏa liên quan đến COVID-19 từ ngày 01/6 tại thành phố đông dân nhất Thượng Hải, điều này có thể dẫn đến nhu cầu dầu phục hồi từ quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Thị trường dầu cũng phục hồi khi đồng USD suy yếu vào ngày thứ Năm. Chỉ số đồng USD lùi 1% trong phiên sau đà tăng gần đây. Dầu thường diễn biến ngược chiều với đồng USD khi hầu hết các giao dịch dầu thô trên toàn cầu đều bằng đồng bạc xanh, do đó, đồng USD tăng giá làm dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà nhập khẩu lớn. Tuy nhiên, khả năng Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu Nga đã hỗ trợ giá dầu. Trong tháng này, EU đã đề xuất một gói trừng phạt mới đối với Nga về cuộc chiến ở Ukraine. Đó sẽ bao gồm lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu trong thời gian 6 tháng, tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa được thông qua, với Hungary là một trong những quốc gia phản đối kế hoạch này nhiều nhất.
- Giá vàng tăng hơn 1% khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ suy giảm đã làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý, sau khi số liệu việc làm yếu kém tại Mỹ làm gia tăng lo ngại về kinh tế. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 1,4% lên 1.840,97 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 1,4% lên 1.841,2 USD/oz. Edward Moya, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Oanda, nhận định: “Đồng USD đang giảm và lợi suất thấp hơn đáng kể và đây là tin tốt đối với vàng”. Làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài, đồng USD lùi 1%, còn lợi suất trái phiếu Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần. Mặc dù số người Mỹ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1969 vào đầu tháng 5/2022, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ tăng vào tuần trước. Hỗ trợ thêm cho sức hấp dẫn của kim loại quý, thị trường chứng khoán toàn cầu trượt dốc thêm khi các dấu hiệu mới về tăng trưởng chậm lại khiến nhà đầu tư bán cổ phiếu và chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn.