Quay lại

Ngày đăng: 20/01/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

  • Chỉ số Nasdaq Composite giảm một lần nữa, đưa tổng mức lao dốc từ mức đỉnh hồi tháng 11/2021 lên hơn 10% khi nhà đầu tư tiếp tục bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ trong bối cảnh lãi suất tăng vọt vào đầu năm. Kết phiên, chỉ số Nasdaq Composite lùi 1,15% xuống 14.340,26 điểm. Mức giảm trong ngày thứ Tư đã khiến chỉ số này sụt 10,7% so với mức đóng cửa cao kỷ lục gần đây nhất ghi nhận hồi tháng 11/2021. Chỉ số Dow Jones rớt 339,82 điểm (-0,96%) xuống 35.028,65 điểm, chịu sức ép từ đà giảm 3,1% của cổ phiếu Caterpillar. Chỉ số S&P 500 mất gần 1% còn 4.532,76 điểm. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 giảm 1,6% vào ngày thứ Tư, khép phiên ở mức đáy 52 tuần. Chứng khoán Mỹ trồi sụt trong ngày thứ Tư nhưng cuối cùng đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên. Đà leo dốc của lợi suất trái phiếu đang gây khó khăn cho thị trường trong năm nay, khi nhà đầu tư chuẩn bị cho khả năng Fed thắt chặt chính sách hơn. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mức 1,9% vào đầu phiên ngày thứ Tư, mức cao nhất kể từ tháng 12/2019. Lợi suất kỳ hạn 10 năm dao động quanh mức 1,5% vào đầu năm. Đà tăng của lãi suất đã tác động một cách không tương xứng đến chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite khi lợi nhuận tương lai của các cổ phiếu công nghệ có vẻ kém hấp dẫn hơn khi lãi suất tăng. Các công ty công nghệ cũng dựa vào lãi suất thấp để vay đầu tư đổi mới. S&P 500 chỉ giảm 5% so với mức cao kỷ lục.
  • Giá dầu tăng phiên thứ 4 liên tiếp lên cao nhất trong 7 năm khi sự cố gián đoạn đường ống từ Iraq đến Thổ Nhĩ Kỳ làm tăng lo ngại về triển vọng nguồn cung vốn đã eo hẹp trong bối cảnh những vấn đề địa chính trị đáng lo ngại ở Nga và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đóng cửa, hợp đồng dầu Brent tiến 93 xu (+1,06%) lên 88,44 USD/thùng. Hợp đồng này trước đó đã tăng lên tới 89,05 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 13/10/2014. Hợp đồng dầu WTI cộng 1,53 USD (+1,8%) lên 86,96 USD/thùng. Công ty điều hành đường ống Thổ Nhĩ Kỳ, Botas, vào ngày 18/01 cho biết đã cắt đường dẫn đầu trên đường ống Kirkuk-Ceyhan sau một vụ nổ trên hệ thống đường ống này. Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ nổ. Đường ốn dẫn dầu thô từ Iraq, nhà sản xuất lớn thứ 2 thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ để xuất khẩu. Tổn thất này xảy ra khi các nhà phân tích dự báo nguồn cung dầu thắt chặt trong năm 2022, một phần do nhu cầu vẫn tốt hơn nhiều so với dự kiến trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh, với một số dự báo giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng. Những vấn đề địa chính trị ở Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới, và UAE, nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 OPEC, đang góp phần làm tăng lo ngại về nguồn cung. Căng thẳng địa chính trị làm tăng khả năng gián đoạn nguồn cung tại thời điểm mà OPEC, Nga và các đồng minh, gọi chung là nhóm OPEC+, gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu thỏa thuận là tăng 400.000 thùng/ngày vào nguồn cung mỗi tháng. Chuyên gia phân tích Edward Moya của Oanda nhậ định: “OPEC+ đang không đạt được mức sản lượng mục tiêu và nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, dầu Brent có thể không cần quá nhiều trợ lực để đẩy lên 100 USD/thùng”. Ngoài ra, mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay đang tăng cùng với sự tăng trưởng của các chuyến bay quốc tế, trong khi lưu lượng giao thông đường bộ cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
  • Giá vàng khởi sắc nhưng động thái khá nhẹ nhàng khi thị trường hướng đến cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed, với nhiều dự báo cơ quan này sẽ nâng lãi suất trong nỗ lực đối phó lạm phát gia tăng. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,2% lên 1.817,90 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,3% lên 1.817,40 USD/oz. “Thị trường vàng đang di chuyển theo kỳ vọng lãi suất của Fed”, Chuyên gia phân tích Kyle Rodda của IG Markets nhận định. Ông Rodda lưu ý những vấn đề địa chính trị đang diễn ra bao gồm lo ngại xung quanh Nga và Ukraine có thể là động lực mua vàng đối với một số người, tuy nhiên, “trong bức tranh tổng thể hơn, vấn đề đó chỉ nhỏ bé so với chính sách của Fed”. Nếu lãi suất tiếp tục leo cao, rất có thể vàng sẽ giảm về mốc 1.800 USD/oz, nhưng vẫn nằm trong phạm vi tương tự vài tháng qua, Michael Hewson, Giám đốc phân tích thị trường tại CMC Markets UK, chia sẻ. “Mốc 1.830 USD/oz được chứng minh là không thể vượt qua trong ngắn hạn, với lợi suất tiếp tục tăng và đồng USD có khả năng gây áp lực giảm giá đối với vàng”, ông Hewson nhận định.
Bản tin phái sinh 20/01/2022 - Vùng cân bằng dần hình thành
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang