Ngày đăng: 19/10/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ 2 liên tiếp khi các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ đã giúp nối dài đà tăng đầu tuần. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 337,98 điểm (+1,12%) lên 30.523,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,14% lên 3.719,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,90% lên 10.772,40 điểm. Đà tăng này được xây dựng dựa trên đà leo dốc từ phiên ngày thứ Hai (17/10), khi đã chứng kiến Nasdaq Composite vọt hơn 3% ghi nhận phiên tốt nhất kể từ tháng 7/2022. Lo ngại về suy thoái và các ngân hàng trung ương quá quyết liệt đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ rơi xuống mức đáy trong năm trong những tuần gần đây, tuy nhiên khởi đầu tích cực cho mùa báo cáo kết quả kinh doanh có thể báo hiệu rằng nền kinh tế hiện đang trong tình trạng tốt hơn lo ngại. Dubravko Lakos-Bujas, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của JPMorgan, nhận định: “Kết quả kinh doanh quý 3 và quý 4 xác nhận các yếu tố cơ bản vẫn được duy trì trong bối cảnh thị trường lao động ổn định và phục hồi sau đại dịch Covid-19. Định giá cổ phiếu có thể sẽ vẫn bị ràng buộc bởi quan điểm của các ngân hàng trung ương toàn cầu và mức lãi suất, vốn đang dần trở nên ít tiêu cực hơn. Do đó, chúng ta thấy cổ phiếu có khả năng tăng giá vào cuối năm nhờ kết quả lợi nhuận nửa cuối năm 2022 ổn định, vị thế cổ phiếu thấp, tâm lý rất tiêu cực và được định giá hợp lý hơn”.
- Giá dầu quay đầu giảm do lo ngại nguồn cung Mỹ cao hơn kết hợp với suy thoái kinh tế và nhu cầu nhiên liệu Trung Quốc giảm. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 1,59 USD (-1,7%) xuống 90,03 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 2,64 USD (-3,1%) còn 82,82 USD/thùng. Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã trì hoãn vô thời hạn việc công bố các chỉ số kinh tế, vốn ban đầu được dự kiến công bố vào ngày thứ Ba, cho thị trường thấy rằng nhu cầu nhiên liệu đang suy giảm đáng kể trong khu vực. John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLC, nhận định: “Đó không phải là một tín hiệu tốt khi Trung Quốc quyết định không công bố số liệu kinh tế”. Chuyên gia phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết việc Trung Quốc tuân thủ chính sách zero-Covid đã tiếp tục làm gia tăng những bất ổn về tăng trưởng kinh tế của nước này. Giá dầu cũng chịu áp lực bởi báo cáo rằng Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục giải phóng dầu thô từ nguồn dự trữ. Chính quyền ông Biden có kế hoạch bán dầu từ kho Dự trữ Xăng dầu chiến lược (SPR) trong nỗ lực hạ nhiệt giá dầu trước khi diễn ra cuộc bầu cử quốc hội tháng tới, các nguồn tin nói với Reuters vào ngày thứ Hai (17/10).
- Giá vàng tăng phiên thứ 2 liên tiếp khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất từ đầu tháng 10/2022. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay nhích 0,1% lên 1.651,50 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,4% lên 1.656,60 USD/oz. Edward Moya, chuyên gia phân tích cấp cao tại Oanda, nhận định: “Bạn đang thấy lợi suất giảm và đà tăng của đồng USD chắc chắn đã gặp phải rào cản lớn… vàng, ít nhất, đã không thấy áp lực bán quay lai – nó đang ổn định phần nào”. Đồng USD đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 06/10, làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng giảm. “Tuy nhiên, đến cuối cùng, yếu tố tác động chính đối với vàng sẽ là chu kỳ nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)”, ông Moya nói. Kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất mạnh đã được củng cố sau báo cáo lạm phát tiêu dùng nóng tại Mỹ hồi tuần trước, với việc các thị trường định giá Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 11/2022.