Ngày đăng: 19/09/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Sáu (16/9), khi Phố Wall khép lại tuần tồi tệ nhất trong nhiều tháng và nhà đầu tư phản ứng với cảnh báo lợi nhuận tiêu cực từ FedEx về nền kinh tế toàn cầu. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones rớt 139,40 điểm (-0,45%) xuống 30.822,42 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0,72% xuống 3.873,33 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0,90% còn 11.448,40 điểm. Đó là tuần giảm mạnh nhất đối với S&P 500 và Nasdaq Composite kể từ tháng 6/2022. Callie Cox, Chuyên gia phân tích đầu tư Mỹ tại eToro, nhận định: “Hiện có rất nhiều lo lắng về việc nền kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ như thế nào, trong khi nền kinh tế Mỹ đang phải đối phó với một loạt vấn đề rất nghiêm trọng của riêng mình. Tôi nghĩ rằng sự năng động là những gì mọi người đã nhận ra”. Cả 3 chỉ số chính đều ghi nhận tuần sụt giảm thứ 4 trong 5 tuần, và đà phục hồi mùa hè ngày càng giống như đợt phục hồi của thị trường giá xuống. Dow Jones mất 4,1% trong tuần này, S&P 500 giảm 4,8% và Nasdaq Composite sụt 5,5%.
- Giá dầu tăng nhẹ do sự cố tràn dầu tại kho cảng Basra của Iraq dường như có thể hạn chế nguồn cung dầu thô, nhưng tính cả tuần giá vẫn giảm do lo sợ rằng việc tăng lãi suất mạnh sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu. Kết phiên, dầu thô Brent tăng 51 US cent lên 91,35 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ tăng 1 US cent lên 85,11 USD/thùng. Cả hai loại dầu này giảm gần 2% trong tuần này, phần lớn do USD mạnh lên, khiến dầu đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác. Chỉ số USD phần lớn ổn định trong ngày 16/9 nhưng tăng tuần thứ tư trong 5 tuần. Xuất khẩu dầu từ kho cảng Basra của Iraq đang dần được khôi phục sau khi dừng hoạt động từ giữa đêm trước do sự cố tràn dầu. Sự cố tràn dầu tại cảng này, nơi có 4 giàn nạp dầu và có thể xuất khẩu tới 1,8 triệu thùng mỗi ngày, đã khiến giá tăng do khả năng nguồn cung dầu thô toàn cầu giảm. Các nhà phân tích cho biết tâm lý bị ảnh hưởng từ các bình luận của Bộ Năng lượng Mỹ rằng họ không thể tìm cách bổ sung vào Kho dự trữ Dầu mỏ Chiến lược cho đến sau năm tài chính 2023. Về mặt nguồn cung, thị trường đã tìm thấy một số hỗ trợ về việc khó có khả năng dầu thô Iran trở lại thị trường khi các quan chức phương Tây giảm triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran. Giá dầu có thể cũng được hỗ trợ trong quý 4 nếu các thành viên OPEC+ cắt giảm sản lượng, điều này sẽ được thảo luận trong cuộc họp của nhóm vào tháng 10. Châu Âu đối mặt với khủng hoảng năng lượng do không chắc chắn về nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga.
- Giá vàng tăng do USD chững lại, nhưng sự gia tăng của đồng bạc xanh trong tuần này và dự kiến về đợt tăng lãi suất đáng kể của Mỹ khiến vàng giảm dưới mốc 1.700 USD và có tuần tồi tệ nhất trong 4 tuần. Vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.672,48 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,4% lên 1.683,5 USD/ounce. Tính chung cả tuần vàng giảm 2,5%, trong tuần có thời điểm giá vàng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Nhu cầu vàng giao ngay đã phục hồi tại Ấn Độ do giá trong nước giảm trước các lễ hội quan trọng trong khi mức cộng của giá vàng tại Trung Quốc tăng.