Quay lại

Ngày đăng: 19/08/2019

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
•  Mặc dù hồi phục trong 2 phiên giao dịch cuối tuần nhưng thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong tuần qua khi nỗi sợ về một cuộc suy thoái kinh tế.Sự hoảng loạn ở Phố Wall bị đẩy lên cao khi đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ rơi vào tình trạng đảo ngược lần đầu tiên sau 12 năm.Đáng chú ý, trong số 500 công ty thuộc S&P 500, có hơn 300 công ty chứng kiến giá cổ phiếu hiện giảm ít nhất 10% so với mức đỉnh của 52 tuần, theo dữ liệu của Refinitiv. Trong đó có hơn 180 cổ phiếu giảm hơn 20% từ đỉnh 52 tuần, đồng nghĩa đã rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.886 điểm (giảm 1,53%), chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.889 điểm (giảm 1,03%) và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.896 điểm (giảm 0,79%). 
•  Dữ liệu kinh tế Mỹ công bố ngày thứ Ba cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi tăng 2,2% trong tháng 7, mức tăng mạnh nhất 6 tháng và vượt mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (FED). Tuy nhiên, lạm phát tăng được đánh giá là sẽ không ảnh hưởng đến kỳ vọng của thị trường rằng FED sẽ hạ lãi suất trong tháng 9 để hỗ trợ nền kinh tế. Ngoài ra, Đại diện thương mại Mỹ (USTR) tuyên bố sẽ hoãn áp thuế quan 10% đối với nhiều mặt hàng công nghệ từ Trung Quốc, bao gồm máy tính xách tay (laptop) và điện thoại di động. Đây đều là những mặt hàng trong danh sách của kế hoạch áp thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà Mỹ dự kiến thực thi từ tháng 9. Chính thông tin này giúp thị trường hồi phục trong những phiên giữa tuần.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, việc Trung Quốc cho biết sẽ đáp trả việc áp thêm thuê của Mỹ khiến chứng khoán khu vực này tiếp tục chìm trong sắc đỏ, chỉ số chung của khu vực STOXX 600 xuống mức thấp nhất 6 tháng.Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.117 điểm (giảm1,88%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.563 điểm (giảm 1,12%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.301 điểm (giảm 0,51%). Chỉ số Stoxx 600 của thị trường khu vực mất gần 0,7% điểm số. 
•  Mới đây, số liệu GDP chính thức quý II/2019 của Đức giảm 0,1%, đẩy lên mối lo ngại rằng quốc gia này sẽ lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, đồng thời khiến tăng trưởng của khu vực đồng Euro (Eurozone) bị giảm tốc. Sự suy giảm này trái ngược với mức tăng trưởng 0,4% của quý I/2019 và Tổng cục thống kê Đức (FSO) cho biết nguyên nhân chính là do thương mại lẫn ngành xây dựng giảm tốc. Báo cáo của FSO cũng cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cùng với việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi Brexit là những yếu tố chính tác động đến nền kinh tế Đức. Hiện Anh đang là thị trường xuất khẩu xe hơi lớn nhất của Đức nhưng nước này lại đang có quý tăng trưởng âm lần đầu tiên trong 7 năm qua. Chính điều này đã khiến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tuyến bố sẽ tung ra các gói kích thích kinh tế, bao gồm cắt giảm lãi suất. Trong quý II/2019, toàn nền kinh tế Eurozone chỉ tăng trưởng 0,2%.
•  Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng sụt giảm trong tuần, với chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 20.369 điểm (giảm 1,53%). Đồng yên đã trở nên mạnh hơn trong tuần và đóng cửa ở mức 106,27 yên/đô la Mỹ vào cuối tuần.Trong 6 tháng đầu năm, Nhật Bản đã vượt mặt Trung Quốc để trở thành nước nắm giữ lượng trái phiếu kho bạc Mỹ nhiều nhất thế giới, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước tăng nhiệt. Theo dữ liệu được Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm qua (15/8), lượng trái phiếu Mỹ mà Nhật nắm giữ đã tăng thêm 21,9 tỷ USD, lên 1.120 tỷ USD, cao nhất trong 2 năm rưỡi. Trong khi đó lần đầu tiên trong 4 tháng gần đây lượng trái phiếu mà Trung Quốc nắm giữ đã tăng trở lại, với mức tăng 2,3 tỷ USD, lên 1.110 tỷ USD.
•  Thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đảo chiều hồi phục trở lại vào cuối tuần khi giới đầu tư bắt đáy các cổ phiếu bị bán quá đà. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu công nghệ tăng khi Bắc Kinh đang cố gắng độc lập về mặt công nghệ, nhằm tránh ảnh hưởng do lệnh cấm vận của Mỹ, cũng giúp 2 thị trường này đảo chiều thành công. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.824 điểm (tăng 1,77%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 25.734 điểm (giảm 0,79%). Chính quyền Hồng Kông ngày 15/8 công bố một kế hoạch hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế của trung tâm tài chính số 1 châu Á đối mặt nguy cơ suy thoái vì phong trào biểu tình rầm rộ và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Hãng CNBC đưa tin, gói kích thích kinh tế trên có trị giá 19,1 tỷ Đôla Hồng Kông, tương đương 2,44 tỷ USD. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm thứ Hai đã thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày cho đồng NDT ở mức 7,0211 đổi 1 USD, trải qua phiên giảm thứ 3 liên tiếp và thấp dưới ngưỡng 7 quan trọng.
•  Thị trường dầu đang giao dịch với nhiều lo ngại, khi dữ liệu kinh tế yếu kém trên toàn cầu cho thấy nhu cầu dầu thô có thể giảm xuống.Giá dầu thế giới suy yếu trước những lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) khiến kinh tế châu Âu gặp khó khăn trong thời gian tới. Tăng trưởng của Khu vực đồng euro (Eurozone) đã chậm lại còn 0,2% trong quý II/2019, sau khi ghi nhận mức tăng 0,4% trong quý I/2019. Căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã làm chao đảo các thị trường tài chính toàn cầu và làm gia tăng quan ngại rằng nhu cầu dầu sẽ tăng trưởng chậm lại. Kết thúc tuần qua, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex đóng cửa tăng 1,09% lên 54,92 USD/thùng, sau khi thoái lui tại mức cao 57,45 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn tăng 0,65% lên 58,69 USD/thùng.

Bản tin phái sinh 19/08/2019 - Cơ hội TRADING mở rộng
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang