Ngày đăng: 19/07/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm điểm với chỉ số Dow Jones mất hơn 350 điểm so với đầu phiên. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 215,65 điểm (-0,69%) xuống 31.072,61 điểm – nhanh chóng giảm điểm trong giờ giao dịch cuối cùng và xoá xạch mức tăng 356 điểm đã ghi nhận hồi đầu phiên. Chỉ số S&P 500 mất 0,84% còn 3.830,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,81% xuống 11.360,05 điểm. Một báo cáo kết quả kinh doanh tích cực từ Goldman Sachs ban đầu đã thúc đẩy thị trường, sau kết quả trái chiều từ các ngân hàng JPMorgan Chase và Morgan Stanley, mặc dù một số người trên Phố Wall cảnh báo rằng nhà đầu tư nên thận trọng khi dự báo đây sẽ là một mùa báo cáo kết quả kinh doanh bất thường. Tuy nhiên, thị trường đảo chiều giảm vào cuối phiên sau khi một báo cáo từ Bloomberg cho biết Apple có kế hoạch giảm tuyển dụng và chi tiêu cho tăng trưởng vào năm tới để đối phó với tình trạng suy thoái có thể xảy ra. Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tai Bleakley Advisory Group, cho biết lợi nhuận của Apple sẽ rất quan trọng đối với thị trường nói chung về cách mà công ty này quản lý tiền tệ, điều gì đang xảy ra đối với hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc và cách mà họ sẽ phản ứng khi người tiêu dùng hướng tới dịch vụ hơn là chi tiêu cho hàng hoá.
- Giá dầu nối dài đà tăng, được thúc đẩy bởi những lo ngại về nguồn cung khí đốt từ Nga và đồng USD suy yếu, bù đắp cho những lo ngại về nhu cầu do khả năng suy thoái kinh tế và việc Trung Quốc phong toả Covid-19. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 5% lên 106,27 USD/thùng, hợp đồng này đã tăng 2,1% vào ngày 15/7. Hợp đồng dầu WTI cộng 5,13% lên 102,60 USD/thùng, sau khi tăng 1,9% trong phiên trước đó. Công ty độc quyền xuất khẩu khí đốt của Nga Gazprom tuyên bố việc cung cấp khí đốt cho châu Âu là bất khả kháng đối với ít nhất một khách hàng lớn, theo bức thư mà Reuters nhìn thấy, qua đó có khả năng làm gia tăng tình trạng suy thoái nguồn cung ở lục địa này. Cùng với đó, đồng USD suy yếu từ mức đỉnh nhiều năm vào ngày thứ Hai, qua đó hỗ trợ giá của nhiều hàng hoá, từ vàng đến dầu. Đồng USD suy yếu làm các hàng hoá được neo giá theo đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Trong khi đó, các cuộc xét nghiệm Covid-19 hàng loạt tiếp tục diễn ra ở nhiều vùng thuộc Trung Quốc trong tuần này, làm tăng lo ngại về nhu cầu dầu từ quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới.
- Giá vàng tăng nhẹ khi đồng USD suy yếu đã giúp vàng phục hồi từ một số mức giảm gần đây, đồng thời việc giảm bớt lo ngại về khả năng Fed nâng lãi suất thêm 100 điểm cũng hỗ trợ giá vàng. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,8% lên 1.720,81 USD/oz, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm hồi tuần trước. Hợp đồng vàng tương lai cũng tăng 0,8% lên 1.717,40 USD/oz. Chỉ số đồng USD đã rút khỏi mức đỉnh gần 20 năm, lùi 0,3%, làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Han Tan, Giám đốc phân tích thị trường tại Exinity, nhận định: “Thị trường đang giảm dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 7, dẫn đến một số hỗ trợ cho vàng”. Người tiêu dùng Mỹ đã hạ kỳ vọng lạm phát tháng 7 cùng với việc giá xăng giảm trong tháng trước, một diễn biến có thể được các quan chức Fed hoan nghênh vì lo ngại rằng kỳ vọng lạm phát cao có thể trở nên phức tạp và khiến nhiệm vụ kiềm chế lạm phát ngày càng khó khăn. Chính sách chống lạm phát quyết liệt của Fed đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một kênh trú ẩn an toàn, vì lãi suất tăng khiến tài sản không đem lại lợi suất trở nên kém hấp dẫn hơn. “Tuy nhiên, hiện với khả năng nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đồng USD suy yếu một chút so với mức cao kỷ lục hồi tuần trước, mang lại hỗ trợ cho các thị trường hàng hoá và cổ phiếu”, chuyên gia phân tích thị trường Rupert Rowling của Kinesis Money cho biết.