Ngày đăng: 19/04/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chỉ số Dow Jones giảm nhẹ để khởi đầu một tuần bận rộn với hàng loạt báo cáo kết quả kinh doanh được công bố trên thị trường, trong khi nhà đầu tư vẫn chú ý đến lãi suất gia tăng và giá các hàng hóa. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones lùi 39,54 điểm (-0,1%) xuống 34.411,69 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,02% xuống 4.391,69 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0,1% còn 13.332,36 điểm. Chứng khoán Mỹ trồi sụt trong phiên đầy biến động ngày thứ Hai sau khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2018, có thời điểm dao động ở mức 2,884%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã ở mức 1,71% vào đầu tháng 3/2022, nhưng nhanh chóng tăng vọt khi Fed chuyển lập trường thắt chặt theo cách tích cực hơn. Sự thay đổi đó đã gây áp lực lên chứng khoán và dẫn đến những lo ngại về một cuộc suy thoái có thể xảy ra. Nhà đầu tư đang chuẩn bị đón nhận một tuần quan trọng với hàng loạt báo cáo lợi nhuận của các công ty. Nhà đầu tư cũng sẽ chú ý đến các dự báo tương lai, đặc biệt những nhận định về cách các công ty đang xử lý vấn đề chi phí tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ tháng 3 công bố hồi tuần trước tăng 8,5% so với cùng kỳ, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981.
- Giá dầu đã tăng trong phiên giao dịch biến động, với dầu Brent vượt mức 113 USD/thùng, khi tình trạng gián đoạn tại Libya càng làm gia tăng lo ngại về tình trạng nguồn cung toàn cầu eo hẹp trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine, lấn át những lo ngại về nhu cầu suy giảm ở Trung Quốc. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 1,24 USD lên 112,94 USD/thùng. Hồi đầu phiên, hợp đồng này đã tăng lên 113,80 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 30/3/2022. Hợp đồng dầu WTI cộng 85 xu lên 107,80 USD/thùng. Hợp đồng này đã chạm mức 108,65 USD/thùng, cũng ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 30/3/2022. Góp phần làm tăng áp lực nguồn cung từ các lệnh trừng phạt Nga, Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya vào ngày thứ Hai đã cảnh báo “một làn sóng đóng cửa” đã bắt đầu tấn công các cơ sở khai thác và tuyên bố bất khả kháng tại mỏ dầu Al-Sharara cùng nhiều địa điểm khác. Jeffrey Halley, Chuyên gia phân tích tại Oanda, nhận định: “Với việc nguồn cung toàn cầu hiện quá eo hẹp, ngay cả sự gián đoạn nhỏ nhất cũng có thể tác động lớn đến giá dầu”. Tuy nhiên, kìm hãm đà tăng của giá dầu là lo ngại về nhu cầu năng lượng ở Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế suy giảm trong tháng 3, làm giảm tăng trưởng trong quý đầu tiên và làm xấu đi triển vọng vốn đã suy yếu vì các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
- Giá vàng tăng lên mức cao nhất một tháng, gần mốc 2.000 USD/ounce, do lo ngại về xung đột Nga – Ukraine và áp lực lạm phát đang tăng. Vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.976,56 USD/ounce, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 11/3 tại 1.998,1 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa tăng 0,6% lên 1.986,4 USD/ounce. Đà tăng của giá vàng bị hạn chế trong cuối phiên bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt và chỉ số USD tăng. Lo ngại về thiệt hại kinh tế từ những hạn chế do Covid-19 tại Trung Quốc cũng hỗ trợ giá vàng. Mặc dù lo ngại lạm phát tăng cao đã thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn trong vàng, nhưng lãi suất tăng để kiềm chế lạm phát có thể hạn chế nhu cầu vàng.