Quay lại

Ngày đăng: 18/11/2019

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

• Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục mới.Các chỉ số được đẩy lên bởi nhiều nhân tố hỗ trợ, bao gồm việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) giảm lãi suất, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2019 tốt hơn dự báo, và những dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ có thể đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất. Mặc dù vậy, những bấp bênh xung quanh đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn là một ẩn số phủ bóng lên tâm lý nhà đầu tư. Phiên ngày thứ Sáu, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 222,93 điểm (0,8%), lên mức 28.004,89 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 23,83 điểm (0,77%) lên 3.120,46 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 61,81 điểm (0,73%) lên 8.540,83 điểm. Chỉ số S&P 500, thước đo tham chiếu của chứng khoán Mỹ, chốt tuần tăng thứ 6 liên tục - chuỗi tuần tăng dài nhất của chỉ số này trong vòng khoảng 2 năm, chỉ số Dow Jones lần đầu tiên vượt qua mốc 28.000 điểm.Số liệu kinh tế công bố ngày thứ Sáu cho thấy doanh thu bán lẻ của Mỹ tăng trong tháng 10, nhưng người tiêu dùng giảm mua các sản phẩm thiết bị gia dụng quan trọng và quần áo.
• Thị trường chứng khoán châu Âu diễn biến phân hóa khi giới đầu tư thận trọng về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung và tình trạng bất ổn ở Hong Kong. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump sẽ quyết định vào giữa tháng 11/2019 về việc liệu có nên áp thuế bổ sung đối với ô tô được sản xuất tại các nước châu Âu hay không, một bước đi sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô Đức lo sợ.Tính chung tuần qua, chỉ số DAX 30 của Đức tăng 0,1%, chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,84% và chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,77%.
• Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm trong tuần qua.Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,38% xuống 23.303 điểm, đây là tuần giảm đầu tiên sau chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp. GDP Nhật Bản quý III chỉ tăng 0,2% so với năm ngoái. Tốc độ này kém xa dự báo 0,8% của giới phân tích trước đó và cũng là chậm nhất kể từ quý III/2018. Quý trước, GDP Nhật Bản tăng 1,8%. Tiêu dùng chỉ tăng 0,4% trong quý III, thấp hơn so với 0,6% quý trước đó.Thị trường tài chính Hong Kong đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng biểu tình kèm bạo lực dâng cao trong vài ngày gần đây. Chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm 4,79% xuống 26.327 điểm, thấp nhất trong 5 tuần gần đây. Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải cũng giảm 2,46% xuống 2.891 điểm.Tăng trưởng sản xuất công nghiệp Trung Quốc trong tháng 10 chỉ đạt 4,7%, thua xa mức 5,8% của tháng 9. Doanh số bán lẻ tăng 7,2%, thấp hơn mức dự đoán 7,8%.
• Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng mạnh vào ngày thứ Sáu (15/11) để ghi nhận đà tăng trong tuần qua, với sự lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 đã nâng triển vọng nhu cầu năng lượng. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 trên sàn Nymex tăng 95 xu (tương đương 1,7%) lên 57,72 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 0,8%.Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 trên sàn Luân Đôn tăng 1,02 USD (tương đương 1,6%) lên 63,30 USD/thùng và tăng 1,3% trong tuần qua.Cả 2 hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận 2 tuần leo dốc liên tiếp.
• Giá vàng giảm nhẹ vào ngày thứ Sáu (15/11), xóa bớt đà tăng trong tuần qua. Kết thúc phiên, hợp đồng vàng giao tháng 12 lùi 4,90 USD (tương đương 0,3%) xuống 1.468,50 USD/oz, nhưng vẫn tăng 0,4% trong tuần qua.

Bản tin phái sinh 18/11/2019 - Quán tính giảm chậm dần
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang