Ngày đăng: 18/07/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Sáu (15/7) trong một phản ứng với đợt báo cáo kết quả kinh doanh mới từ các ngân hàng và dữ liệu kinh tế đầy hứa hẹn, khi lo ngại về việc Fed sẽ nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát đã dịu bớt. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 658,09 điểm (+2,15%) lên 31.288,26 điểm, chỉ số S&P 500 tiến 1,92% lên 3.863,16 điểm và chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,79% lên 11.452,42 điểm. Các báo cáo kết quả kinh doanh từ Wells Fargo và Citigroup đã mang đến cái nhìn sâu sắc hơn về tình hình nền kinh tế. Cổ phiếu Wells Fargo vọt 6,2% ngay cả khi lợi nhuận quý 2/2022 sụt 48% và ngân hàng trích lập quỹ cho các khoản nợ xấu. Cổ phiếu Citigroup leo dốc 13,2% khi có lợi nhuận cao hơn dự kiến và được hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng. Cùng với báo cáo kinh doanh mới của ngân hàng, nhà đầu tư đã tiếp nhận dữ liệu tâm lý người tiêu dùng sơ bộ khá mạnh mẽ và doanh số bán lẻ tốt hơn kỳ vọng. Những con số này dường như xoa dịu lo ngại rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản tại các cuộc họp chính sách sắp tới và chỉ ra rằng người tiêu dùng đang tăng cường chi tiêu bán lẻ ngay cả khi lạm phát ở mức cao kỷ lục.
- Giá dầu tăng mạnh, thêm 2,5% trong phiên thứ Sáu sau khi một quan chức Mỹ cho hay sản lượng dầu của Saudi Arabia ngay lập tức không được mong đợi, và các nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu OPEC có dư địa để tăng đáng kể sản lượng dầu thô hay không. Bình luận trong chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden được đưa ra vào thời điểm công suất dự phòng của các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang cạn kiệt. Giá dầu Brent kết phiên ở mức 101,16 USD/thùng, tăng 2,06 USD (+2,1%) so với phiên liền trước; trong khi dầu thô Tây Texas Mỹ (WTI) chốt ở mức 97,59 USD/thùng, tăng 1,81 USD (+1,9%). Tính chung cả tuần, cả 2 loại dầu đều giảm mạnh nhất trong khoảng một tháng, chủ yếu do lo ngại rằng một cuộc suy thoái sắp xảy ra sẽ làm giảm nhu cầu. Dầu Brent mất 5,5% trong tuần này, là tuần giảm thứ ba liên tiếp, trong khi WTI giảm 6,9% trong tuần giảm thứ hai liên tiếp.
- Giá vàng giảm trong phiên thứ Sáu, tính chung cả tuần giảm tuần thứ 5 liên tiếp do sức mạnh của đồng USD bao phủ không chỉ thị trường vàng mà toàn bộ các thị trường rộng lớn trong bối cảnh Fed tăng lãi suất mạnh mẽ. Chốt phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.704,30 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm 2,2%; vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,1% xuống 1.703,6 USD. TD Securities cho biết: “Với những ‘con bọ vàng’ rơi như domino, giá hiện đang về lại mức trước đại dịch, làm gia tăng rủi ro rằng nhóm đầu cơ vàng lớn nhất sẽ bắt đầu cảm thấy ‘đau đớn’ trong giai đoạn Fed ‘diều hâu’”.