Ngày đăng: 17/01/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Các cổ phiếu ngân hàng lớn giảm mạnh sau báo cáo kết quả kinh doanh, qua đó gây áp lực lên thị trường chứng khoán Mỹ khi Phố Wall ghi nhận tuần sụt giảm thứ 2 liên tiếp trong đầu năm 2022. Kết phiên, chỉ số Dow Jones rớt 201,81 điểm (-0,56%) xuống 35.911,81 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích 0,08% lên 4.662,85 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,59% lên 14.893,75 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn có diễn biến tích cực trong những tuần gần đây khi lãi suất tăng, hầu như sụt giảm khi các báo cáo kết quả kinh doanh không gây dc ấn tượng cho nhà đầu tư bất chấp những con số chỉ tiêu mạnh mẽ. Về dữ liệu kinh tế, doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm 1,9% trong tháng 12/2021, tồi tệ hơn so với dự báo giảm 0,1% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Kết quả sơ bộ về tâm lý người tiêu dùng trong tháng 1/2022 từ Đại học Michigan cho kết quả thấp hơn so với dự kiến do người dân Mỹ dự báo lạm phát dài hạn sẽ cao hơn. Tuần qua, Nasdaq Composite lùi 0,28%, còn Dow Jones và S&P 500 lần lượt giảm 0,88% và 0,30%. Đây là tuần suy giảm thứ 3 liên tiếp của Nasdaq Composite.
- Các hợp đồng dầu thô tương lai khởi sắc, được thúc đẩy bởi những hạn chế về nguồn cung và lo ngại về cuộc tấn công của Nga vào nước láng giềng Ukraine, đưa giá dầu tăng tuần thứ 4 bất chấp nhiều nguồn tin nói rằng Trung Quốc sẽ giải phóng dự trữ dầu thô vào dịp Tết Nguyên đán. Đóng cửa, hợp đồng dầu Brent tiến 1,59 USD (+1,9%) lên 86,06 USD/thùng, mức cao nhất trong 2 tháng rưỡi. Hợp đồng này đã tăng 5,4% trong tuần qua. Hợp đồng dầu WTI cộng 1,70 USD (+2,1%) lên 83,82 USD/thùng và vọt 6,3% trong tuần. Cả hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đều bước vào vùng quá mua (overbought) lần đầu tiên kể từ cuối tháng 10/2021. Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định: “Những người nhìn vào bức tranh toàn cảnh nhận ra tình hình cung so với cầu trên toàn cầu là rất thắt chặt và điều đó đang tạo ra động lực vững chắc trên thị trường”. Ông Flynn nói thêm rằng các nhà đầu tư không muốn bán khống trên thị trường khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine và trước kỳ nghỉ cuối tuần dài ở Mỹ nhân lễ Martin Luther King (17/01), vốn thường chứng kiến khối lượng giao dịch thấp hơn. Các quan chức Mỹ vào ngày thứ Sáu bày tỏ lo ngại rằng Nga đang chuẩn bị tấn công Ukraine nếu ngoại giao thất bại. Nga, quốc gia có hơn 100.000 quân ở biên giới Ukraine, đã công bố bức ảnh về lực lượng này đang di chuyển. “Sự gia tăng yếu tố rủi ro địa chính trị đang thúc đẩy giá dầu”, John Kilduff, một đối tác tại Again Capital Management, nhận định. Ngoài ra, một số ngân hàng dự báo giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng trong năm nay, với cầu dự kiến vượt cung, đặc biệt do hạn chế về năng lực sản xuất của các quốc gia OPEC+.
- Giá vàng giảm, chịu áp lực bởi đà tăng lợi suất trái phiếu Mỹ do triển vọng nâng lãi suất của Mỹ và đồng USD mạnh hơn. Kết phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,3% xuống 1.816,22 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,3% còn 1.816,50 USD/oz. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm được củng cố, còn chỉ số đồng USD tăng 0,4%, làm vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài. Vàng đã tích tắc khởi sắc sau khi công bố dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ giảm 1,9% trong tháng 12/2021 khi người Mỹ phải vật lộn với tình trạng thiếu hàng hóa do tắc nghẽn chuỗi cung ứng và bùng nổ số ca nhiễm Covid. Philip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, nhận định dữ liệu kinh tế kém lạc quan trong tuần này cuối cùng có thể vừa dẫn đến tình trạng bán tháo trên các thị trường vừa khiến Fed kiềm chế kỳ vọng nâng lãi suất, và vàng sẽ được hưởng lợi từ cả 2. Tuy nhiên, đà suy giảm của đồng USD trong tuần này đã giúp vàng tăng 1,1% trong tuần qua.