Ngày đăng: 16/05/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Sáu (13/5), xoá bớt mức giảm trong tuần và ngăn chỉ số S&P 500 rơi vào vùng thị trường “con gấu”. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 466,36 điểm (+1,47%) lên 32.196,66 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 2,39% lên 4.023,89 điểm và chỉ số Nasdaq Composite cộng 3,82% lên 11.805 điểm. Vào ngày thứ Sáu, S&P 500 ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 04/5/2022, trong khi Nasdaq Composite chứng kiến phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020. Bất chấp mức tăng trong ngày thứ Sáu, các chỉ số chính đều ghi nhận sắc đỏ trong tuần, với Dow Jones giảm 2,14% và đánh dấu chuỗi 7 tuần lao dốc đầu tiên kể từ năm 2001. S&P 500 mất 2,4% và ghi nhận chuỗi tuần suy giảm dài nhất kể từ năm 2011, còn Nasdaq Composite sụt 2,8%. Tất cả lĩnh vực thuộc S&P 500 đều tăng trong ngày thứ Sáu, dẫn đầu là đà phục hồi của lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin, lần lượt vọt 4,1% và 3,4%. Đây là phiên phục hồi trên diện rộng với khoảng 95% mã cổ phiếu thuộc S&P 500 khép phiên với sắc xanh.
- Giá dầu tăng mạnh vào ngày thứ Sáu (13/5) khi giá xăng tại Mỹ vọt lên cao kỷ lục, Trung Quốc có vé đã sẵn sàng nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch và nhà đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ thắt chặt nếu Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu Nga. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 4,10 USD (+3,8%) lên 111,55 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 4,36 USD (+4,1%) lên 110,49 USD/thùng. Hợp đồng xăng tương lai của Mỹ đã vọt lên mức cao mọi thời đại sau khi dự trữ tại nước này giảm tuần thứ 6 liên tiếp vào tuần trước. Điều đó đã thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận lọc dầu lên mức cao nhất kể từ khi chạm mức cao kỷ lục vào tháng 4/2020 khi giá dầu WTI âm. Giá dầu đã biến động mạnh, do những lo ngại về khả năng EU cấm vận dầu Nga có thể thắt chặt nguồn cung hơn, nhưng giá dầu cũng bị áp lực bởi lo ngại rằng đại dịch Covid-19 tái bùng phát có thể làm giảm nhu cầu dầu toàn cầu. Tại Trung Quốc, các nhà chức trách cam kết hỗ trợ nền kinh tế và các quan chức thành phố cho biết Thượng Hải sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế về giao thông liên quan Covid-19 và mở lại các cửa hàng trong tháng này. Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Giá dầu thô tăng nhờ lạc quan rằng tình hình Covid-19 ở Trung Quốc không xấu đi và khi các tài sản rủi ro phục hồi”.
- Giá vàng mất hơn 1% vào ngày thứ Sáu (13/5) và ghi nhận 4 tuần giảm liên tiếp, khi đồng USD và lãi suất Mỹ mạnh hơn đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,7% xuống 1.808,89 USD/oz, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 04/2/2022 là 1.798,86 USD/oz. Hợp đồng này đã sụt gần 4% từ đầu tuần đến nay. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,9% còn 1.808,20 USD/oz. Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết vào ngày thứ Năm (12/5) rằng cuộc chiến kiểm soát lạm phát sê “bao gồm một số đau đớn”, vì tác động của lãi suất cao hơn. David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định: “Vàng đang bị áp lực khi Fed cam kết nâng lãi suất với tốc độ nhanh và thêm vào đó, đồng USD đang rất mạnh. Trong tương lai, số liệu lạm phát là những gì thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ”. Chỉ số đồng USD tăng tuần thứ 6 liên tiếp, dao động gần mức đỉnh 20 năm.