Ngày đăng: 15/12/2021
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi một số cổ phiếu công nghệ lớn sụt giảm và dữ liệu lạm phát mới tiếp tục cho thấy giá cả tăng mạnh. Kết phiên, chỉ số Nasdaq Composite dẫn đầu đà giảm, rớt 1,14% xuống 15.237,64 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0,75% xuống 4.634,09 điểm. Dow Jones giữ được đà tăng tốt hơn nhưng vẫn mất 106,77 điểm (-0,3%) còn 35.544,18 điểm. Phiên giảm điểm trên Phố Wall diễn ra sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất PPI của Mỹ trong tháng 11 vọt 9,6% so cùng kỳ, tốc độ nhanh kỷ lục và cao hơn dự báo 9,2% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Chỉ số này đã tăng 0,8% so với tháng trước, cao hơn dự báo 0,5% trước đó. Số liệu lạm phát nóng hơn dự báo được đưa ra khi Fed cũng bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày vào ngày thứ Ba. Fed sẽ đưa ra tuyên bố vào ngày 15/12 với các dự báo định kỳ hàng quý về nền kinh tế, lạm phát và lãi suất. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng sẽ tổ chức một cuộc họp báo. Nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ trong tuần này để đưa ra nhận định về việc liệu Fed có kế hoạch đẩy nhanh nhịp độ kết thúc chương trình mua trái phiếu hay không. Hiện tại, chương trình mua tài sản của Fed sẽ kết thúc vào tháng 6/2022, tuy nhiên, một số quan chức đã nói về việc kết thúc chương trình sớm hơn.
- Giá dầu giảm sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết biến chủng Omicron làm giảm sự phục hồi nhu cầu toàn cầu. Số liệu của Mỹ cho thấy giá sản xuất cao nhất 11 năm khẳng định dự đoán Fed sẽ giảm kích thích nhanh hơn tại cuộc họp trong tuần này. Điều này hỗ trợ USD và gây áp lực lên giá dầu. Chốt phiên 14/12, dầu Brent giảm 69 US cent hay 0,9% xuống 73,7 USD/thùng, dầu WTI giảm 56 US cent hay 0,8% xuống 70,73 USD/thùng. Trong ngày 14/12, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết biến thể Omicron đang lây lan ở tốc độ chưa từng thấy khiến các thị trường đi xuống. Các chính phủ trên thế giới, gần đây nhất gồm Anh và Na Uy đã siết chặt những hạn chế để dừng việc lây lan của biến chủng Omicron. IEA đã giảm dự báo nhu cầu dầu trong năm nay và năm tới 100.000 thùng/ngày mỗi năm, chủ yếu do dự đoán tác động tới nhu cầu nhiên liệu bay từ những hạn chế du lịch mới.
- Giá vàng giảm gần 1% sau khi giá sản xuất của Mỹ tăng làm dấy lên dự đoán tăng lãi suất sớm hơn dự kiến trước cuộc họp kéo dài hai ngày của Cục dự trữ liên bang. Vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.771,66 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2/2022 đóng cửa giảm 0,9% xuống 1.772,3 USD/ounce. Giá sản xuất của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 11, do hạn chế nguồn cung vẫn kéo dài, hỗ trợ quan điểm lạm phát có thể vẫn ở mức cao trong một thời gian dài. Xu hướng lãi suất tăng thúc đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, làm tăng chi phí giữ vàng. Fed sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, dự kiến thông báo rằng họ sẽ kết thúc chương trình kích thích kinh tế sớm hơn so với thông tin trước đó, có khả năng thiết lập tăng lãi suất sớm hơn vào năm tới.