Ngày đăng: 15/11/2021
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Phố Wall tăng nhờ cổ phiếu công nghệ. Cụ thể, Dow Jones tăng 179,08 điểm (+0,5%) lên 36.100,31 điểm. S&P 500 tăng 33,58 điểm (+0,72%) lên 4.682,85 điểm. Nasdaq tăng 156,68 điểm (+1%) lên 15.860,96 điểm. 10 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 chốt phiên trong sắc xanh với dịch vụ viễn thông tăng mạnh nhất 1,7%. Năng lượng giảm 0,3%. Tổng khối lượng giao dịch phiên này là 10,32 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với trung bình 10,94 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó. Nhà đầu tư ưu tiên cổ phiếu tăng trưởng hơn là giá trị, với các cổ phiếu như Apple, Microsoft là lực đẩy chính của thị trường. Chốt tuần, Dow Jones giảm 0,6%, S&P 500 giảm 0,3% còn Nasdaq giảm 0,7%, kết thúc đợt tăng 5 tuần liên tiếp. Bên cạnh đó, 459 công ty trong S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý III, 80% số này có lợi nhuận vượt kỳ vọng, theo Refinitiv.
- Giá dầu giảm trong phiên 12/11 do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh kế hoạch nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Dầu thô Brent kết thúc phiên này giảm 70 US cent (-0,8%) xuống 82,17 USD/thùng; dầu thô Tây Texas (WTI) của Mỹ giảm 80 cent (-1%) xuống 80,79 USD/thùng. Tính chung cả tuần, cả hai loại dầu đều giảm tuần thứ 3 liên tiếp do đồng USD mạnh lên và đồn đoán rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể giải phóng dầu từ Cục Dự trữ Dầu chiến lược Mỹ để hạ nhiệt giá năng lượng. Tính trên cơ sở hàng tuần, dầu Brent giảm 0,7%, trong khi WTI giảm 0,6%.
- Giá vàng tăng trong phiên vừa qua, tính chung cả tuần tăng mạnh nhất trong vòng 6 tháng do nhu cầu mua mạnh trong bối cảnh lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ tăng mạnh. Giá vàng giao ngay kết thúc tuần tăng 0,3% lên 1.866,87 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng khoảng 2,8%; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,3% lên 1.868,5 USD/ounce. Các nhà phân tích của Societe Generale dự báo giá vàng sẽ đạt trung bình 1.950 USD/ounce trong quý đầu tiên của năm 2022, với "cam kết mới từ Cục Dự trữ Liên bang để hỗ trợ nền kinh tế dù lạm phát tăng cao".