Ngày đăng: 15/08/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ tăng mạnh vào ngày thứ Sáu (12/8), đánh dấu tuần leo dốc thứ 4 liên tiếp đối với S&P 500 khi nhà đầu tư vui mừng trước những tín hiệu cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 424,38 điểm (+1,27%) lên 33.761,05 điểm, chỉ số S&P 500 tiến 1,73% lên 4.280,15 điểm và chỉ số Nasdaq Composite cộng 2,09% lên 13.047,19 điểm. Chỉ số S&P 500 vọt 3,26% trong tuần này, đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 11/2021. Dow Jones tiến 2,92% từ đầu tuần đến nay, trong khi Nasdaq Composite tăng 3,08%. Đối với Nasdaq Composite, đây cũng là tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Các chỉ số chính đã được thúc đẩy bởi những thông tin tích cực về lạm phát. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 của Mỹ gần như không thay đổi so với tháng 6, phần lớn nhờ giá xăng giảm, qua đó làm giảm lạm phát. Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 7 bất ngờ giảm. Vào ngày thứ Sáu, giá nhập khẩu cũng giảm mạnh hơn so với dự báo. Những thông tin tích cực đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư, khiến một số người tin rằng đà tăng gần đây không chỉ là một đợt phục hồi điển hình của thị trường giá xuống. Kỳ vọng lạm phát một năm giảm từ 5,2% xuống 5,0%, mặc dù kỳ vọng 5 năm tăng nhẹ từ 2,9% lên 3,0%.
- Giá dầu giảm khoảng 2% vào ngày thứ Sáu (12/8), do kỳ vọng rằng sự gián đoạn nguồn cung ở Vịnh Mexico sẽ diễn ra trong ngắn hạn, trong khi lo ngại về suy thoái đã làm mờ nhạt triển vọng nhu cầu. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 1,47 USD (-1,5%) xuống 98,13 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 2,08 USD (-2,2%) còn 92,26 USD/thùng. Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tại Price Futures Group, nhận định: “Chúng ta đang giảm một chút sau đợt tăng giá mạnh vào ngày hôm qua”. Một quan chức cảng Louisiana cho biết bộ phận chuyên môn dự kiến sẽ thay thế đoạn đường ống dẫn dầu bị hỏng nL1N2ZO154 vào chiều ngày thứ Sáu, cho phép nối lại hoạt động sản xuất tại 7 giàn khoan dầu ngoài khơi Vịnh Mexico của Mỹ. Vào ngày 11/8, nhà sản xuất dầu hàng đầu Shell của Mỹ tại Vịnh Mexico cho biết đã ngừng sản xuất tại 3 giàn khoan nước sâu trong khu vực. 3 giàn khoan này được thiết kế để sản xuất lên tới 410.000 thùng/ngày. Thị trường dầu cũng tiếp thu quan điểm nhu cầu trái ngược từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Cũng vào ngày 11/8, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 khoảng 260.000 thùng/ngày. OPEC hiện dự báo nhu cầu sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trong khi đó, IEA đã nâng dự báo triển vọng nhu cầu lên 2,1 triệu thùng/ngày, với lý do chuyển từ xăng sang dầu trong sản xuất điện.
- Giá vàng tăng vào ngày thứ Sáu (12/8), được hỗ trợ bởi lợi suất trái phiếu Mỹ suy yếu và giúp kim loại quý có tuần tăng thứ 4 liên tiếp, khi nhà đầu tư cân nhắc về dữ liệu lạm phát gần đây của Mỹ. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,6% lên 1.800,19 USD/oz và tăng hơn 1% trong tuần qua. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,54% lên 1.817,00 USD/oz. Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hoá tại TD Securities, nhận định: “Hiện tại thị trường đang chứng kiến một số hoạt động mua bù thiếu (short-covering) và được hỗ trợ bởi lợi suất thấp hơn”. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm sau một tuần biến động khi nhà đầu tư đánh giá liệu sự chậm lại đà tăng lạm phát có thể làm giảm tốc độ nâng lãi suất của Fed hay không. Dữ liệu công bố vào đầu tuần này cho thấy lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt, theo đó những người tham gia thị trường giảm bớt kỳ vọng về động thái nâng lãi suất quyết liệt của Fed. Tuy nhiên, những nhận định gần đây của Fed tiếp tục mang tính “diều hâu”, điều này ngăn kim loại quý vượt mốc 1.800 USD/oz.