Ngày đăng: 15/07/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi các ngân hàng lớn công bố kết quả kinh doanh đáng thất vọng và nhà đầu tư đánh giá khả năng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa khi lo ngại suy thoái vẫn còn. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones lùi 142,62 điểm (-0,46%) xuống 30.630,17 điểm, còn chỉ số S&P 500 mất 0,3% còn 3.790,38 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,03% lên 11.251,19 điểm. Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA, nhận định: “Nếu các ngân hàng là thước đo của toàn nền kinh tế cũng như những gì chúng tôi có thể nhận được từ báo cáo kinh doanh khác trong tương lai, thì đó sẽ là một quý tồi tệ”. Kết quả từ các ngân hàng đã làm tăng thêm lo ngại rằng ước tính lợi nhuận có lẽ đã tăng quá nhiều trong những tháng gần đây. Trong khi đó, báo cáo chỉ số giá sản xuất PPI tháng 6 của Mỹ, thước đo giá trả cho các nhà sản xuất hàng hoá và dịch vụ, cho thấy giá bán buôn tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước khi giá năng lượng tăng vọt và cung cấp thêm thông tin chi tiết về áp lực lạm phát.
- Giá dầu suy giảm nhưng gần như đã xóa gần hết tất cả mức giảm sau khi sụt hơn 4 USD vào đầu phiên, khi nhà đầu tư tập trung vào triển vọng về một đợt nâng lãi suất lớn của Mỹ vào cuối tháng này có thể ngăn chặn lạm phát, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 47 xu (-0,5%) xuống 99,10 USD/thùng, đóng cửa dưới mốc 100 USD/thùng phiên thứ 3 liên tiếp. Hợp đồng dầu WTI mất 52 xu (-0,5%) còn 95,78 USD/thùng. Fed được cho là đang tăng cường đối phó với lạm phát cao trong hơn 40 năm với việc nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong tháng này sau khi một báo cáo lạm phát cho thấy áp lực giá đang gia tăng. Cuộc họp chính sách của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 26-27/7. Giá dầu đã giảm trong 2 tuần qua do lo ngại suy thoái kinh tế mặc dù xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế giảm từ Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt phương Tây và gián đoạn nguồn cung ở Libya. Tại châu Âu, các tín hiệu cũng cho thấy nhu cầu suy giảm với việc Ủy ban châu Âu hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và nâng tỷ lệ lạm phát dự kiến lên 7,6%. Những lo ngại về các lệnh phong tỏa Covid-19 ở nhiều thành phố của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu. Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho thấy nhu cầu đang suy giảm, với nguồn cung sản phẩm giảm xuống 18,7 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.
- Giá vàng có lúc sụt hơn 2% xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm khi đồng USD nối dài đà tăng mạnh trong khi kỳ vọng ngày càng tăng Fed sẽ nâng lãi suất mạnh hơn. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 1,47% xuống 1.709,66 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 1,57% còn 1.708,2 USD/oz. Philip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, nhận định: “Đồng USD mạnh hơn đang đẩy vàng xuống thấp hơn. Sau dữ liệu lạm phát tiêu dùng, nhà đầu tư đã nâng kỳ vọng tăng lãi suất từ 75 điểm cơ bản lên 100 điểm cơ bản, qua đó làm tổn hại đến vàng”. “Vàng sẽ khó có khả năng tăng giá nếu lạm phát không giảm xuống đủ để ngăn việc nâng lãi suất hoặc nếu các ngân hàng trung ương khác bắt đầu mạnh tay như Fed, và điều đó có thể làm suy yếu đồng USD”, ông Streible nói thêm.