Quay lại

Ngày đăng: 15/07/2019

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
•  Chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục mới trong tuần qua và cũng khép lại tuần bằng đà tăng mạnh. Cả S&P 500 và Dow Jones đều phá những cột mốc tâm lý quan trọng. Chỉ số S&P 500 vượt 3,000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử và lên mức 3.013 điểm, tăng 0,8% trong tuần qua. Chỉ số Dow Jones vượt 27.000 điểm và khép tuần tại mức 27.332 điểm, tăng 1,5% trong tuần qua. Chất xúc tác đưa cả 3 chỉ số cùng lập kỷ lục là nhờ nhà đầu tư vững tin Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối tháng. Một vài mối bận tâm về mùa báo cáo kết quả kinh doanh bắt đầu vào tuần tới dường như không ảnh hưởng tới sự đi lên của giá cổ phiếu. Trong hai ngày điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng nền kinh tế Mỹ đang đối mặt nguy cơ suy giảm tăng trưởng từ hoạt động yếu đi của các nhà máy, mức lạm phát thấp, và xung đột thương mại. Ông Powell khẳng định FED sẵn sàng "hành động phù hợp" để hỗ trợ tăng trưởng.
•  Thị trường chứng khoán ở châu Âu giảm điểm mặc dù có dấu hiệu mới cho thấy Fed và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang xem xét các biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.505 điểm (giảm 0,64%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.323 điểm (giảm 1,74%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.572 điểm (giảm 0,14%). Pháp trở thành mục tiêu mới nhất của chính sách thương mại của Mỹ sau khi Thượng viện Pháp thách thức các mối đe dọa thương mại của Mỹ và phê chuẩn mức thuế mới trong lĩnh vực kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ nước ngoài. Thuế 3% sẽ áp dụng cho doanh thu kiếm được ở Pháp của khoảng 30 công ty lớn, hầu hết là từ Mỹ. Tổng thống Trump đã phản ứng bằng cách ra lệnh xem xét các phương án áp dụng thuế quan hoặc hạn chế thương mại đối với hàng hóa của Pháp.
•  Thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm điểm trong tuần trước. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 21.685 điểm (giảm 0,28%). Đồng yên ít thay đổi trong tuần và đứng ở mức 108,25 yên/đô la Mỹ. Các chỉ số chứng khoán ở Trung Quốc giảm điểm trong tuần, khi vấn đề thương mại của Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu cải thiện, cũng như do các cuộc biểu tình tại Hồng Kông tuần trước. Chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 28.471 điểm (giảm 0,15%) và chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.930 điểm (giảm 2,24%). Hôm thứ Sáu, Trung Quốc cho biết tăng trưởng xuất khẩu của nước này trong tháng 6 đã chậm lại 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 7,3% so với dự kiến.
•  Giá dầu thế giới tăng mạnh trong tuần này, khi sản lượng dầu của Mỹ trên Vịnh Mexico giảm do bão và giới đầu tư lạc quan về khả năng giảm lãi suất. Tuy nhiên, nỗi lo về tình trạng thừa cung dầu toàn cầu trong những tháng sắp tới tiếp tục là một nhân tố kìm hãm đà tăng giá của năng lượng này. Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng gần 5% trong cả tuần, trong khi giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng hơn 4%.

Bản tin phái sinh 15/07/2019 - Vị thế short chiếm ưu thế trong ngắn hạn
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang