Ngày đăng: 15/04/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- S&P 500 và Nasdaq Composite giảm điểm, khép lại tuần qua với mức giảm khi nhà đầu tư tiếp nhận kết quả lợi nhuận từ các ngân hàng lớn và lạm phát gia tăng. Đóng cửa, chỉ số S&P 500 rớt 1,21% xuống 4.392,59 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 2,14% còn 13.351,08 điểm. Chỉ số Dow Jones lùi 113,36 điểm (-0,33%) xuống 34.451,23 điểm. Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi lạm phát chiếm sự chú ý nhất của nhà đầu tư trong tuần này. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ leo cao, và 2 báo cáo lạm phát liên tiếp của Mỹ cho thấy chỉ số giá tăng mạnh. Vào ngày thứ Năm, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng trở lại mức đỉnh nhiều năm, cộng 13 điểm cơ bản lên 2,8%.
- Giá dầu tiếp tục tăng sau khi giảm vào đầu phiên khi nhà đầu tư mua vào những cổ phiếu đã bán trước cuối tuần nghỉ dài, và khi có thông tin Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ ra lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 2,92 USD (+2,68%) lên 111,70 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2,70 USD (+2,59%) lên 106,95 USD/thùng. New York Times đưa tin EU đang tiến tới áp đặt lệnh cấm theo từng giai đoạn đối với dầu Nga, để Đức và các nước khác có thời gian để sắp xếp các nhà cung cấp thay thế. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo vào ngày 13/4 rằng khoảng 3 triệu thùng/ngày dầu Nga có thể bị mất từ tháng 5 trở đi do các lệnh trừng phạt hoặc người mua tự nguyện tránh xa hàng hóa của Nga. Các nhà kinh doanh lớn trên toàn cầu đang có kế hoạch cắt giảm mua dầu thô và nhiên liệu từ tập đoàn dầu do Nhà nước Nga kiểm soát vào tháng 5, Reuters đưa tin.
- Giá vàng giảm sau khi đồng USD tăng mạnh và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, song nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn được thúc đẩy bởi khủng hoảng Ukraine và lạm phát, khiến vàng có tuần tăng. Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,3% xuống 1.971,04 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn New York giảm 0,5% xuống 1.974,9 USD/ounce. Tuy nhiên, tính từ đầu tuần đến nay giá vàng tăng 1,3% và có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát tăng, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn giữ nguyên kế hoạch quay lại các biện pháp kích thích trong năm nay, một động thái được coi là ít quyết liệt hơn khi đối mặt với lạm phát tăng mạnh.