Ngày đăng: 15/03/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chỉ số S&P 500 giảm điểm mở đầu một tuần quan trọng, khi giá dầu giảm mạnh và nhà đầu tư theo dõi những diễn biến mới nhất từ cuộc chiến Nga – Ukraine. Nhà đầu tư cũng đang dự báo đợt nâng lãi suất đầu tiên từ Fed trong tuần này. Đóng cửa, chỉ số S&P 500 lùi 0,7% xuống 4.173,11 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 2,04% còn 12.581,22 điểm. Cả 2 chỉ số này đều giảm phiên thứ 7 trong 8 phiên vừa qua. Trong khi, chỉ số Dow Jones gần như đi ngang, nhích 1 điểm lên 32.945,24 điểm, sau khi tăng tới 450 điểm hồi đầu phiên. Phố Wall tiếp tục chú ý đến xung đột giữa Nga và Ukraine, khi 2 nước này nối lại các cuộc đàm phán vào ngày thứ Hai. Một quan chức Ukraine cho biết các mục tiêu của nước này là đảm bảo quân đội Nga lập tức ngừng bắn và rút quân, cùng với những đảm bảo về an ninh khác. Giao tranh đã gia tăng xung quanh thủ đô của Ukraine, Kyiv. Ảnh hưởng tài chính của các lệnh trừng phạt cứng rắn Nga sẽ trở nên tập trung hơn trong những ngày tới trước thời điểm thanh toán trái phiếu quốc tế chính phủ theo lịch sẵn có. Nhà đầu tư cũng tập trung chú ý đến Fed, vốn được kỳ vọng sẽ nâng lãi suất mục tiêu thêm 0,25 điểm phần trăm từ mức 0 khi kết thúc cuộc họp 2 ngày vào ngày 16/3. Nhà đầu tư cũng chờ đợi ngân hàng trung ương sẽ đưa ra dự báo mới về lãi suất, lạm phát và nền kinh tế, trước những bất ổn từ căng thẳng địa chính trị leo thang.
- Giá dầu WTI sụt hơn 8%, rớt mốc 100 USD/thùng, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine cũng như lệnh phong tỏa mới vì Covid-19 ở Trung Quốc – có thể làm giảm nhu cầu. Kết phiên, hợp đồng dầu WTI mất 5,78% còn 103,01 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent lùi 5,1% xuống 106,90 USD/thùng. Rebecca Babin, Trader năng lượng cấp cao tại CIBC Private Wealth U.S, cho rằng đà sụt giảm của giá dầu là do sự kết hợp của các yếu tố địa chính trị và nhu cầu. Nga và Ukraine dự kiến sẽ nối lại các cuộc đàm phán hòa bình vào ngày thứ Hai, trong khi nhu cầu tháng 3 của Trung Quốc có thể thấp hơn do các lệnh phong tỏa mới vì Covid-19. Ngoài ra, hợp đồng mở (open interest) đối với dầu Brent đã giảm, có nghĩa là các nhà đầu tư đã giảm bớt rủi ro.
- Giá vàng giảm khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng do kỳ vọng nâng lãi suất, với khẩu vị rủi ro cao hơn nhờ hy vọng hòa bình giữa Nga và Ukraine làm giảm sức hấp dẫn kênh trú ẩn an toàn của kim loại quý. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay mất gần 1,6% còn 1.953,40 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai lùi 1,5% xuống 1.955,8 USD/oz. Margaret Yang, một chiến lược gia tại DailyFX, nhận định: “Một lý do chính là lợi suất trái phiếu chính phủ tăng. Ngoài ra, thị trường dường như đang định giá cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào ngày 16/3, mà tại đó Fed được kỳ vọng sẽ bắt đầu khởi động chu kỳ thắt chặt. Vì vậy, đây là một yếu tố tiêu cực đối với vàng”. Góp phần gây áp lực lên nhu cầu trú ẩn an toàn của vàng, chứng khoán toàn cầu đã khởi sắc vào ngày thứ Hai nhờ hy vọng sự đình chỉ trong cuộc khủng hoảng Ukraine ngay cả khi chiến sự vẫn diễn ra.