Quay lại

Ngày đăng: 14/10/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • Chứng khoán Mỹ đã có một đợt phục hồi mạnh với chỉ số Dow Jones vọt 1.500 điểm từ mức đáy lên mức đỉnh, khi nhà đầu tư bỏ qua thông tin về một báo cáo lạm phát nóng khác. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 827,87 điểm (+2,83%) lên 30.038,72 điểm, sau khi sụt hơn 500 điểm vào đầu phiên. Chỉ số S&P 500 tiến 2,6% lên 3.669,91 điểm, đứt mạch 6 phiên giảm liên tiếp. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 2,23% lên 10.649,15 điểm. Phiên giao dịch sôi động chứng kiến chứng khoán mỹ rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020 sau dữ liệu lạm phát nóng hơn dự báo và sau đó phục hồi đáng kinh ngạc. Dow Jones lấy lại hơn 1.300 điểm khi nhà đầu tư tiếp nhận báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 của Mỹ. S&P 500 ghi nhận phạm vi giao dịch rộng nhất kể từ tháng 3/2020. Ngày thứ Năm đánh dấu sự đảo chiều bật tăng trong phiên lớn thứ 5 trong lịch sử S&P 500, và đây là mức phục hồi trong phiên lớn thứ 4 của Nasdaq Composite, theo SentimenTrader. 
  • Giá dầu tăng khoảng 2% do mức dự trữ dầu diesel thấp trước mùa đông đã thúc đẩy hoạt động mua vào và đảo chiều từ mức giảm đầu phiên sau khi dự trữ dầu thô và xăng cao hơn dự báo. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 2,22 USD (+2,4%) lên 96,47 USD/thùng, sau khi giảm vào đầu phiên. Hợp đồng dầu WTI cộng 1,93 USD (+2,2%) lên 89,20 USD/thùng. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, đã sụt 4,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 07/10 xuống 106,1 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022, cao hơn so với dự báo giảm 2 triệu thùng. Điều đó đã khiến nhà đầu tư phải bỏ qua việc dự trữ xăng bất ngờ tăng 2 triệu thùng và dự trữ dầu thô tăng mạnh hơn dự báo vọt gần 10 triệu thùng. Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tại Price Futures Group, nhận định: “Phần đáng lo ngại nhất trong báo cáo của EIA là lượng dự trữ sản phẩm chưng cất thấp hơn nhiều so với mức trung bình. Thị trường đang nhìn vào bức tranh toàn cảnh, trái ngược với những số liệu nhu cầu ngắn hạn bị ảnh hưởng bởi cơn bão”. 
  • Giá vàng giảm khi lạm phát tháng 9 tại Mỹ tăng cao hơn dự báo đã củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,6% xuống 1.663,05 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,4% còn 1.670,20 USD/oz. Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ tăng 0,4% trong tháng trước sau khi nhích 0,1% trong tháng 8. Trong 12 tháng đến tháng 9, CPI đã tăng 8,2% sau khi tăng 8,3% hồi tháng 8. Dữ liệu lạm phát báo hiệu Fed sẽ quyết liệt hơn trong cuộc chiến với lạm phát bằng cách nâng lãi suất với tốc độ nhanh hơn, gây áp lực cho vàng. Sau dữ liệu lạm phát, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng. Lãi suất và lợi suất trái phiếu cao sẽ làm giảm sức hấp dẫn của kim loại không đem lại lợi suất. 
Bản tin phái sinh 14/10/2022 - Thanh khoản phái sinh tiếp tục tăng mạnh
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang