Quay lại

Ngày đăng: 14/09/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh sau khi báo cáo lạm phát quan trọng tháng 8 tăng mạnh hơn dự báo, làm ảnh hưởng đến sự lạc quan của nhà đầu tư đối với việc lạm phát hạ nhiệt và Fed bớt quyết liệt hơn. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones rớt 1.276,37 điểm (-3,94%) xuống 31.104,97 điểm, chỉ số S&P 500 lùi 4,32% xuống 3.932,69 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 5,16% còn 11.633,57 điểm. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 tại Mỹ cho thấy lạm phát cao hơn so với kỳ vọng. CPI nhích 0,1% so với tháng trước, ngay cả khi giá xăng giảm. Lạm phát cốt lõi tăng 0,6% so với tháng trước. Trong khi, trên cơ sở hàng năm, lạm phát tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo lạm phát tổng thể giảm 0,1%, còn lạm phát cốt lõi tăng 0,3%. Đây là một trong những báo cáo cuối cùng mà Fed sẽ xem xét trước cuộc họp ngày 20-21/9 sắp tới, nơi mà ngân hàng trung ương được kỳ vọng sẽ nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp để kiềm chế lạm phát. Báo cáo CPI tháng 8 cao bất ngờ có thể khiến Fed tiếp tục động thái nâng lãi suất quyết liệt lâu hơn so với một số nhà đầu tư dự báo. 
  • Giá dầu giảm, xoá sạch đà tăng trước đó khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 8/2022, tạo điều kiện cho Fed đưa ra một đợt nâng lãi suất mạnh khác vào tuần tới. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 0,88% xuống 93,17 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 0,5% còn 87,31 USD/thùng. Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 tăng 0,1% sau khi không thay đổi hồi tháng 7, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 0,1% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Các quan chức Fed dự kiến nhóm họp vào ngày 20-21/9, với lạm phát cao hơn mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ. Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao về giao dịch tại BOK Financial, nhận định: “Fed có thể phải nâng lãi suất nhanh hơn dự báo, điều này có thể dẫn đến tâm lý “né tránh rủi ro” đối với dầu thô và tăng thêm sức mạnh cho đồng USD”. 
  • Giá vàng giảm hơn 1% do đồng USD tăng, sau khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tại Mỹ bất ngờ tăng đã củng cố thêm dự báo Fed sẽ nâng lãi suất quyết liệt hơn. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 1,22% xuống 1.703,09 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 1,55% còn 1.713,7 USD/oz. Tai Wong, Nhà đầu tư cấp cao tại Heraeus Precious Metals, nhận định: “Vàng giảm giá khi CPI cao hơn dự báo, với việc nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản hiện được xác nhận chắc chắn. Đồng USD tăng và có thể tiếp tục gây áp lực lên vàng”. “Vàng có khả năng dao động trong phạm vi 1.690-1.700 USD/oz trong ngắn hạn với đồng USD khó có thể tạo ra mức đỉnh mới trừ khi có một kết quả rất ‘diều hâu’ từ Fed vào tuần tới. Có khả năng là Fed sẽ chờ xem khi cuộc họp sau đó là vào tháng 11/2022”. Giá tiêu dùng CPI tháng 8 tại Mỹ bất ngờ tăng khi giá xăng giảm được bù đắp bằng sự gia tăng chi phí thuê nhà và thực phẩm. Chỉ số đồng USD tăng 1%, làm vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài. 
Bản tin phái sinh 14/09/2022 - Test ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang