Quay lại

Ngày đăng: 14/07/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát tháng 6 tại Mỹ đạt mức cao nhất kể từ năm 1981, làm gia tăng lo ngại rằng Fed sẽ quyết liệt hơn trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones rớt 208,54 điểm (-0,67%) xuống 30.772,79 điểm, còn chỉ số S&P 500 mất 0,45% còn 3.801,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,15% xuống 11.247,58 điểm. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 tại Mỹ tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, thậm chí còn cao hơn mức 8,6% của tháng 5, đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones đã dự báo con số 8,8%. Chỉ số CPI cốt lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, đạt mức 5,9%, cao hơn dự báo 5,7%. Thông tin lạm phát nóng trong tháng 6 tại Mỹ khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa trong cuộc họp tháng này hay không và tăng kỳ vọng về mức nâng thậm chí lớn hơn để kiềm chế lạm phát. 
  • Giá dầu khởi sắc, phục hồi từ đợt bán tháo lớn của phiên trước đó, bất chấp dự trữ dầu tại Mỹ tăng và sau khi dữ liệu lạm phát tại Mỹ củng cố dự báo Fed sẽ nâng lãi suất mạnh hơn. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 8 xu lên 99,57 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 46 xu lên 96,30 USD/thùng. Nhà đầu tư đã bán dầu vào cuối phiên do lo ngại rằng việc nâng lãi suất quyết liệt để ngăn chặn lạm phát sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu. Tuần này, cả Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong báo cáo định kỳ hàng tháng, đều cảnh báo rằng nhu cầu đang suy giảm, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, dự trữ dầu thô tại Mỹ lại tăng mạnh hơn dự báo. Cụ thể, dữ liệu của Chính phủ cho thấy dự trữ dầu thô thương mại tại Mỹ tăng 3,3 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn so với dự báo giảm nhẹ. 
  • Giá vàng phục hồi từ đáy gần 1 năm khi đồng USD giảm sau đợt tăng ban đầu, giúp vàng giảm bớt áp lực từ triển vọng nâng lãi suất mạnh khi lạm phát tại Mỹ tăng nóng. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,4% lên 1.732,69 USD/oz, khởi sắc từ mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021 ở mức 1.707,09 USD/oz sau khi dữ liệu của Mỹ hỗ trợ đồng USD đạt mức đỉnh mới trong nhiều thập kỷ. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,4% lên 1.731,2 USD/oz. Đồng USD sau đó đã xoá sạch đà tăng, thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng đối với những người mua nước ngoài. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng giảm. Đồng USD và lợi suất suy giảm có thể hỗ trợ vàng, với việc nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán khống khi vàng lùi xuống mức thấp 1.700 USD/oz. 
Bản tin phái sinh 14/07/2022 - Ưu tiên hoạt động trading
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang