Ngày đăng: 14/06/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Đợt bán tháo trong năm 2022 tiếp diễn với S&P 500 trượt xuống mức đáy mới trong năm và khép phiên ở vùng thị trường giá xuống, khi những lo ngại về suy thoái gia tăng trước khi diễn ra cuộc họp quan trọng của Fed trong tuần này. Đóng cửa, chỉ số S&P 500 mất 3,88% còn 3.749,63 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và ghi nhận mức lao dốc kỷ lục từ tháng 01 đến nay là hơn 21%. Chỉ số này đã khép phiên trong vùng thị trường giá xuống (tương đương giảm hơn 20% so với mức đỉnh) sau khi dao động trong vùng này một thời gian ngắn trong phiên cách đây 3 tuần. Một số chuyên gia trên Phố Wall cho biết đó không phải là một thi trường giá xuống chính thức cho đến khi chỉ số này khép phiên ở đó và điều này đã xảy ra vào ngày thứ Hai. Lần gần nhất chỉ số này nằm trong vùng thị trường con gấu là vào tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Chỉ số Dow Jones rớt 876,05 điểm (-2,79%) xuống 30.516,74 điểm, giảm khoảng 17% so với mức cao kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 4,68% xuống 10.809,23 điểm, nâng mức lao dốc của đợt bán tháo này lên hơn 33%. Các chỉ số chính đã chạm mức đáy trong phiên trong 30 phút giao dịch cuối cùng sau khi một báo cáo của Wall Street Journal cho thấy Fed đang xem xét nâng lãi suất thêm 0,75% vào ngày thứ Tư (15/6), nhiều hơn mức tăng 0,5% như dự báo hiện nay. Có một số kênh để trú ẩn vào ngày thứ Hai khi giá trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm, đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, tăng hơn 20 điểm cơ bản vượt mức 3,3%, khi nhà đầu tư tiếp tục dự báo Fed có thể quyết liệt hơn để đối phó với lạm phát.
- Giá dầu tăng trong phiên giao dịch đầy biến động khi nguồn cung toàn cầu khan hiếm lấn át lo ngại rằng nhu cầu sẽ bị áp lực do số ca nhiễm Covid-19 bùng phát ở Bắc Kinh và nhiều đợt nâng lãi suất. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 26 xu lên 122,27 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 26 xu lên 120,93 USD/thùng. Giao dịch biến động, với giá dầu mất 3 USD/thùng vào đầu phiên. Nguồn cung dầu khan hiếm, với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh không thể cung cấp đầy đủ sản lượng đã cam kết bởi vì nhiều nhà sản xuất thiếu năng lực, các lệnh trừng phạt Nga và tình hình bất ổn ở Libya đã làm giảm sản lượng dầu. Góp phần làm tăng lo ngại về nhu cầu, quận đông dân nhất Bắc Kinh là Chaoyang đã thông báo sẽ tiến hành 3 đợt xét nghiệm hàng loạt để dập tắt đợt bùng phát Covid-19. Lo ngại về những đợt nâng lãi suất tiếp theo cũng gây áp lực lên giá dầu, khi dữ liệu lạm phát Mỹ công bố vào ngày 10/6 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 8,6% trong tháng trước.
- Giá vàng giảm mạnh khi đồng USD tăng trước dự báo Fed sẽ nâng lãi suất mạnh, làm giảm sức hấp dẫn của vàng và các kim loại quý khác. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 2,2% xuống 1.829,52 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 2,4% còn 1.829,80 USD/oz. Vào ngày 10/6, dữ liệu CPI nóng hơn dự báo của Mỹ đã khiến nhà đầu tư hiện kỳ vọng các đợt nâng lãi suất tổng cộng 175 điểm cơ bản đến tháng 9, với một số người dự báo khả năng nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tuần này. Vàng đã chạm mức thấp nhất trong 1 tháng là 1.824,63 USD/oz sau dữ liệu lạm phát, nhưng đã phục hồi mạnh mẽ khi những lo ngại về kinh tế chiếm sự tập trung chú ý. Biến động đó đã kéo dài sang ngày thứ Hai. J.P. Morgan cho bết trong một lưu ý rằng việc vàng nhanh chóng suy giảm nhấn mạnh sự giằng co giữa các động lực định giá, với lạm phát cao chống lại những dự báo về các phản ứng chính sách quyết liệt. Một triển vọng tăng giá đối với vàng sẽ đòi hỏi nhiều dấu hiệu hơn cho thấy tăng trưởng kinh tế đang bị rạn nứt dưới tác động của lạm phát cao hơn.