Quay lại

Ngày đăng: 13/12/2021

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

  • Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục, khép lại đà tăng mạnh mẽ của Phố Wall trong tuần này, bất chấp lạm phát chạm mức cao nhất trong 39 năm. Kết phiên, chỉ số S&P 500 tăng 0,95% lên 4.712,02 điểm, mức đóng cửa cao kỷ lục. Chỉ số Dow Jones cộng 216,30 điểm (+0,6%) lên 35.970,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,7% lên 15.630,60 điểm. Dow Jones đã vọt 4% kể từ đầu tuần, chấm dứt chuỗi 4 tuần lao dốc liên tiếp. Chỉ số này ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 03/2021. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 3,8% và 3,6% trong tuần này – tuần có thành quả tốt nhất kể từ tháng 02/2021 đối với cả 2 chỉ số. Lạm phát tháng 11 đã vọt 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao nhất kể từ năm 1982, Bộ Lao động Mỹ cho biết vào ngày thứ Sáu. Con số lạm phát này cao hơn một chút so với dự báo 6,7% từ Dow Jones. Chỉ số giá tiêu dùng CPI, vốn đo lường chi phí của một rổ hàng hóa, đã tăng 0,8% trong tháng 11. Chỉ số CPI cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,5% trong tháng 11 và vọt 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trùng khớp với dự báo. Một số nhà đầu tư có thể đã dự đoán con số lạm phát thậm chí còn nóng hơn các chuyên gia kinh tế, dẫn đến đà tăng sau số liệu lạm phát. Ryan Detrick, Giám đốc chiến lược thị trường tại LPL Financial, nhận định: “Chỉ số CPI vào ngày thứ Sáu có thể cho thấy mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng nó vẫn diễn ra đúng như dự báo. Đây thực sự là một điều tốt, vì thị trường đã định giá lạm phát cao hơn, vì vậy đây có thể được coi là một sự hỗ trợ”. Nhà đầu tư cũng cảnh giác rằng số liệu lạm phát cao có thể khiến Fed đẩy nhanh tiến độ thu hẹp chương trình mua trái phiếu hàng tháng trị giá 120 tỷ USD.
  • Giá dầu khởi sắc và ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 8/2021, với tâm lý thị trường được cải thiện nhờ việc giảm bớt lo ngại về tác động của biến thể Omicron đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu. Cả hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đều vọt hơn 7% trong tuần này, đánh dấu tuần tăng đầu tiên trong 7 tuần, ngay cả sau một đợt chốt lời ngắn. Đóng cửa, hợp đồng dầu Brent tiến 0,98% lên 75,15 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1,03% lên 71,67 USD/thùng. Hồi đầu tuần, thị trường dầu đã phục hồi khoảng 50% mức giảm đã phải chịu từ đợt bùng phát biến thể Omicron vào ngày 25/11, với giá dầu được hỗ trợ nhờ các nghiên cứu ban đầu cho thấy 3 liều vắc-xin Covid của Pfizer giúp bảo vệ chống lại biến thể Omicron. Việc kiểm soát đà tăng giá cả đang làm giảm lưu lượng hàng không nội địa ở Trung Quốc, do các hạn chế đi lại chặt chẽ hơn và lòng tin của người tiêu dùng yếu hơn sau khi các đợt bùng phát nhỏ lặp lại. Trong khi đó, cơ quan xếp hạng Fitch hạ bậc tập đoàn phát triển bất động sản China Evergrande Group và Kaisa Group, nói rằng họ đã vỡ nợ đối với trái phiếu nước ngoài. Điều đó càng làm gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, cũng như nền kinh tế chung của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Đồng USD mạnh hơn, tăng trước dữ liệu lạm phát Mỹ được công bố vào cuối ngày thứ Sáu, cũng gây áp lực lên giá dầu. Dầu thường giảm khi đồng USD tăng, bởi vì làm dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ những đồng tiền khác.
  • Giá vàng nhích nhẹ nhưng vẫn ghi nhận 4 tuần giảm liên tiếp khi nhà đầu tư giữ vị thế chờ dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ, vốn có thể ảnh hưởng đến động thái chính sách tiếp theo của Fed. Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay nhích 0,1% lên 1.776,23 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai tiến 0,1% lên 1.778,60 USD/oz. Giá vàng đã giảm 0,4% từ đầu tuần đến nay khi nhà đầu tư lo ngại lạm phát cao hơn và một thị trường lao động thắt chặt có thể khiến Fed đẩy nhanh nhịp độ giảm mua tài sản của mình. Việc giảm bớt các biện pháp kích thích và nâng lãi suất có xu hướng thúc đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng, làm tăng chi phí cơ hội của vàng, vốn không đem lại lợi suất. Báo cáo lạm phát công bố vào chiều ngày thứ Sáu được kỳ vọng sẽ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI có thể tăng 0,7% trong tháng 11 so với tháng trước. Số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 52 năm, khi các điều kiện thị trường lao động tiếp tục thắt chặt trong bối cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng. Nhiều nguồn tin nói với Reuters rằng các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chú ý đến việc gia tăng tạm thời chương trình mua trái phiếu định kỳ. Điều đó vẫn sẽ làm giảm đáng kể mức mua nợ chung khi chương trình hỗ trợ đối phó với đại dịch kết thúc vào tháng 3/2022.
Bản tin phái sinh 13/12/2021 - Rung lắc trong biên độ
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang