Quay lại

Ngày đăng: 13/09/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • Chứng khoán Mỹ tăng điểm khi đồng USD suy yếu và niềm tin ngày càng tăng rằng lạm phát cao đã đạt đỉnh giúp đà phục hồi của Phố Wall tiếp tục diễn ra trước khi báo cáo lạm phát quan trọng được công bố. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 229,63 điểm (+0,71%) lên 32.381,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,06% lên 4.110,41 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,27% lên 12.266,41 điểm. Chứng khoán Mỹ đã biến động trước khi Fed có cuộc họp vào ngày 20-21/9, tại đó ngân hàng trung ương được kỳ vọng sẽ nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp trong một nỗ lực đối phó lạm phát cao. Các quan chức Fed đã nhắc lại trong những tuần gần đây rằng họ sẽ tiếp tục nâng lãi suất để chống lại lạm phát ngay cả khi nó làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một số diễn biến gần đây, bao gồm đồng USD suy yếu và thành công quân sự của Ukraine, dường như đang thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư cũng lạc quan về báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 của Mỹ, dự kiến công bố vào sáng ngày thứ Ba (13/9). 
  • Giá dầu tiếp tục tăng khi các cuộc đàm phán hạt nhân Iran dường như gặp trở ngại và lệnh cấm vận đối với dầu Nga được đưa ra, với nguồn cung khan hiếm đang phải vật lộn để đáp ưng nhu cầu vẫn còn cao. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 1,25% lên 94 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 99 xu (+1,1%) lên 87,78 USD/thùng. Giá dầu gần như không thay đổi trong tuần trước khi đà tăng từ động thái cắt giảm nguồn cung danh nghĩa của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi chung là nhóm OPEC+, bị bù đắp bởi các lệnh phong toả ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Pháp, Anh và Đức vào ngày 10/9 cho biết họ có “nghi ngờ nghiêm trọng” về ý định của Iran trong việc khôi phục thoả thuận hạt nhân, trong một diễn biến có thể khiến dầu Iran không có mặt trên thị trường và tiếp tục làm cho nguồn cung toàn cầu khan hiếm. Giá dầu toàn cầu có thể phục hồi vào cuối năm do nguồn cung được kỳ vọng sẽ khan hiếm nhiều hơn khi các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu Nga có hiệu lực vào ngày 05/12. 
  • Giá vàng có lúc tăng 1%, được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu, trong khi nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng để tìm kiếm tín hiệu và tốc độ nâng lãi suất của Fed. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,49% lên 1.724,386 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,42% lên 1.735,80 USD/oz. Các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ra tín hiệu rằng việc nâng lãi suất thêm nữa để kiềm chế lạm phát, vốn đã hỗ trợ đồng Euro và gây áp lực cho đồng USD và chịu trách nhiệm một phần cho sức mạnh của thị trường vàng, David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định. Chỉ số đồng USD giảm, làm vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua nước ngoài. Nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần cho báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ công bố vào ngày thứ Ba (13/9) có thể cho thấy CPI tháng 8 của Mỹ tăng 8,1% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng 8,5% hồi tháng 7/2022. Theo truyền thống, vàng được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát, tuy nhiên, việc nâng lãi suất dẫn đến làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại quý, vốn không đem lại lợi suất. 
Bản tin phái sinh 13/09/2022 - Xu hướng giằng co tiếp diễn
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang