Quay lại

Ngày đăng: 13/07/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm khi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu làm giảm sức hấp dẫn của tài sản rủi ro đối với nhà đầu tư và Phố Wall chuẩn bị đón nhận dữ liệu lạm phát tháng 6. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones rớt 192,51 điểm (-0,62%) xuống 30.981,33 điểm, chỉ số S&P 500 mất 0,92% còn 3.818,80 điểm và chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,95% xuống 11.264,73 điểm. Những người tham gia thị trường đang theo dõi chặt chẽ rủi ro suy giảm đối với dự báo lợi nhuận doanh nghiệp khi các công ty đối mặt với lãi suất cao và áp lực lạm phát lớn, trong bối cảnh Phố Wall vẫn tranh luận về khả năng suy thoái. Chỉ số đồng USD (ICE U.S Dollar Index) - thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – đã tăng lên mức cao 108,56. Mức tăng này đã đưa đồng USD ngang bằng đồng Euro và đồng Euro xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002 khi lo ngại suy thoái gia tăng ở châu Âu. Chỉ số của đồng USD đã bùng nổ trong năm nay, leo dốc gần 13%. Một số chiến lược gia trên Phố Wall cảnh báo rằng sức mạnh của đồng bạc xanh có thể gây rắc rối cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sắp tới. Lạm phát cũng nằm trong sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần này với báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 của Mỹ dự kiến công bố vào ngày 13/7. 
  • Giá dầu giảm mạnh do đồng USD mạnh hơn, các lệnh phong toả Covid-19 làm giảm nhu cầu ở quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc và lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 7,1% xuống 99,49 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 7,9% còn 95,84 USD/thùng. Đồng USD mạnh hơn thường gây áp lực cho dầu vì làm hàng hoá được neo giá theo đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Commerzbank cho biết: “Ở phương Tây, sự kết hợp giá năng lượng cao và lãi suất tăng đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu dầu”. Ngân hàng này cũng cho biết các lệnh hạn chế di chuyển mới liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc cũng gây áp lực cho giá dầu. Nhiều thành phố ở Trung Quốc đang áp đặt các lệnh phong toả mới Covid-19, từ việc ngừng hoạt động kinh doanh đến phong toả trên phạm vi rộng hơn nhằm nỗ lực kiềm chế các đợt lây nhiễm mới từ biến thể phụ BA.5.2.1. 
  • Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng, tiếp tục chịu áp lực từ đồng USD mạnh và dự báo nâng lãi suất, trong khi nhà đầu tư chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế Mỹ có thể xác định được tốc độ thắt chặt tiền tệ. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,48% xuống 1.725,33 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,46% còn 1.723,8 USD/oz. Daniel Pavilonis, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Dòng tiền khổng lồ đổ vào đồng USD của nhà đầu tư và dự báo lãi suất cao hơn, do lạm phát tăng nhanh, đang gây áp lực lên vàng”. Chỉ số đồng USD dao động gần mức đỉnh 20 năm, củng cố vị thế là kênh trú ẩn an toàn ưa thích trong bối cảnh rủi ro suy thoái ngày càng tăng, đồng thời làm vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Một loạt dữ liệu kinh tế Mỹ - bao gồm chỉ số giá tiêu dùng CPI, doanh số bán lẻ và sản lượng nhà máy – sẽ cung cấp ý tưởng về mức độ lạm phát gia tăng trước thềm cuộc họp chính sách của Fed diễn ra trong tuần tới. 
Bản tin phái sinh 13/07/2022 - Thử thách vùng cản 1.226 – 1.230 điểm
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang