Ngày đăng: 13/04/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm sau khi đà phục hồi vào đầu phiên nhường chỗ cho động thái bán tháo khi nhà đầu tư cân nhắc dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ. Báo cáo cho thấy lạm phát tiếp tục tăng mạnh trong tháng trước. Đóng cửa, chỉ số S&P 500 lùi 0,34% xuống 4.397,45 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite mất 0,3% còn 13.371,57 điểm, khi cả 2 chỉ số đều giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Chỉ số Dow Jones giảm 87,72 điểm (-0,26%) xuống 34.220,36 điểm. Số liệu lạm phát cao đã làm tăng kỳ vọng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, điều mà nhà đầu tư lo ngại có thể làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế. Fed đã nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 3, và được dự báo sẽ nâng lãi suất nhiều hơn trong năm 2022. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ mức đỉnh 3 năm, giảm hơn 6 điểm cơ bản xuống còn 2,72% sau báo cáo lạm phát, khi nhà đầu tư hy vọng số liệu CPI cốt lõi có thể nghĩa là lạm phát đang có dấu hiệu đạt đỉnh.
- Giá dầu khởi sắc khi Thượng Hải nới lỏng một số hạn chế vì Covid đã làm giảm bớt lo ngại về nhu cầu dầu tại Trung Quốc, và khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cảnh báo sẽ không thể thay thế nguồn cung bị mất từ Nga. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 6,26% lên 104,64 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 6,69% lên 100,60 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng đều giảm 4% vào ngày 11/4. Vào ngày thứ Hai (11/4), thành phố Thượng Hải cho biết có hơn 7.000 khu dân cư được phân loại có nguy cơ thấp sau khi không ghi nhận ca nhiễm mới trong 14 ngày và các quận từ đó thông báo một số khu vực có thể được nới lỏng giãn cách. Trong khi đó, OPEC đã cảnh báo rằng không thể thay thế 7 triệu thùng/ngày dầu và các chất lỏng khác xuất khẩu của Nga bị thiếu hụt trong trường hợp có các lệnh trừng phạt hoặc các hành động tự nguyện. Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thống nhất bất kỳ lệnh cấm vận nào đối với dầu mỏ của Nga, nhưng một số ngoại trưởng quốc gia cho biết lựa chọn này đã được đưa ra. Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Thị trường dầu mỏ vẫn dễ biến động vì cú sốc lớn nếu ngành năng lượng Nga bị trừng phạt, và rủi ro đó vẫn còn nguyên”.
- Giá vàng tăng hơn 1%, do lợi tức trái phiếu giảm sau số liệu lạm phát của Mỹ, làm giảm khả năng thắt chặt chính sách tích cực trong dài hạn của Cục Dự trữ Liên bang. Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,7% lên 1.967,61 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất gần 1 tháng trong đầu phiên giao dịch và vàng kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn New York tăng 1,4% lên 1.976,1 USD/ounce. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm sau số liệu lạm phát trong tháng 3/2022 tăng mạnh, song vẫn thấp hơn so với dự kiến của các nhà phân tích.