Ngày đăng: 12/07/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi Phố Wall chuẩn bị bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo của các công ty lớn dự kiến công bố vào cuối tuần này có thể báo hiệu lạm phát đang tác động như thế nào đến các doanh nghiệp. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones rớt 164,31 điểm (-0,52%) xuống 31.173,84 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 1,15% xuống 3.854,43 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 2,26% còn 11.372,60 điểm. Mùa báo cáo kinh doanh bắt đầu với báo cáo từ PepsiCo và Delta Air Lines vào ngày 12-13/7, tiếp theo là nhóm ngân hàng JPMorgan Chase, Morgan Stanley, Wells Fargo và Citigroup dự kiến công bố vào cuối tuần này. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm dao động cao hơn so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, một sự đảo ngược mà nhiều người xem là một chỉ báo suy thoái. Lợi suất kỳ hạn 2 năm vào ngày thứ Hai dao động ở mức 3,07%, còn lợi suất kỳ hạn 10 năm ở mức 2,99%.
- Giá dầu hầu như không thay đổi khi các thị trường cân bằng khả năng suy giảm nhu cầu do Covid-19 ở Trung Quốc trước những lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent nhích 0,07% lên 107,10 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 0,67% còn 104,09 USD/thùng. Trước đó trong phiên, thị trường đã bị náo động với thông tin Trung Quốc phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thế phụ của Omicron có khả năng lây nhiễm cao ở Thượng Hải, điều này có thể dẫn đến các đợt xét nghiệm hàng loạt khác, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu nhiên liệu. Ngoài ra, thị trường vẫn lo ngại về kế hoạch của các nước phương Tây nhằm giới hạn giá dầu của Nga, với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo có thể dẫn đến hậu quả “thảm khốc” trên thị trường năng lượng toàn cầu. JP Morgan cho biết thị trường đang bị ảnh hưởng bởi lo ngại về khả năng ngừng cung dầu từ Nga và khả năng suy thoái diễn ra. Câu hỏi đặt ra là bao lâu nữa sẽ có thêm dầu thô chảy từ Kazakhstan qua đường ống Caspi (CPC). Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nói rằng một thoả thuận sắp đạt được với Moscow để mua dầu diesel từ Nga với giá rẻ hơn nhiều.
- Giá vàng dao động gần mức thấp nhất trong 9 tháng do kỳ vọng Fed nâng lãi suất và đà tăng của đồng USD đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,3% xuống 1.737,32 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,3% còn 1.737,00 USD/oz. Bất chấp rủi ro suy thoái, nhà đầu tư gần đây đã lựa chọn đồng USD thay vì vàng, đưa đồng tiền này lên mức cao nhất trong gần 2 thập kỷ, cũng làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những người mua nước ngoài. Trong khi đó, việc nâng lãi suất làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại quý vì không đem lại lợi suất. Edward Moya, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Oanda, nhận định: “Vàng đang chịu áp lực khi đồng USD có những bước chạy lớn và kỳ vọng nâng lãi suất khá cao sau khi báo cáo gần đây của Mỹ cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ”. “Giá vàng dự kiến rớt mốc 1.700 USD/oz và sau đó tìm thấy hỗ trợ quanh mức 1.670 USD/oz”, ông Moya chia sẻ.