Quay lại

Ngày đăng: 11/08/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • Chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau khi báo cáo lạm phát quan trọng cho thấy đà tăng giá chậm lại tốt hơn so với dự báo. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 535,10 điểm (+1,63%) lên 33.309,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 2,13% lên 4.210,24 điểm, mức cao nhất kể từ đầu tháng 5/2022. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 2,89% lên 12.854,80 điểm, mức đóng cửa tốt nhất kể từ cuối tháng 4/2022. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của Mỹ (CPI) tăng 8,5% so cùng kỳ năm ngoái và gần như không đổi so với tháng 6/2022, đồng thời lần lượt thấp hơn so với dự báo tăng 8,7% so với cùng kỳ và nhích 0,2% so với tháng 6 từ các chuyên gia kinh tế. Lạm phát cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, cũng tăng thấp hơn so với dự kiến. Fed sẽ cân nhắc báo cáo này, cùng với những dữ liệu kinh tế quan trọng khác, trước khi diễn ra cuộc họp chính sách vào tháng 9, với kỳ vọng cơ quan này sẽ nâng lãi suất một lần nữa. Nancy Davis, Người sáng lập Quadratic Capital Management, nhận định: “CPI tháng 7 tại Mỹ giảm là một sự hỗ trợ lớn đối với Fed, đặc biệt là khi Fed nhấn mạnh lạm phát chỉ là nhất thời, điều này là không đúng… Nếu chúng ta tiếp tục thấy các dấu hiệu lạm phát giảm, Fed có thể bắt đầu làm chậm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ”. 
  • Giá dầu khởi sắc, phục hồi sau đà giảm đầu phiên nhờ dữ liệu đáng khích lệ về nhu cầu xăng tại Mỹ và khi con số lạm phát tại Mỹ thấp hơn dự báo đã khiến nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản rủi ro hơn. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 68 xu (+0,7%) lên 96,99 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 83 xu (+0,9%) lên 91,33 USD/thùng. Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ vọt 5,5 triệu thùng trong tuần gần nhất, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 73.000 thùng. Tuy nhiên, dự trữ xăng tại Mỹ giảm mạnh, ngụ ý nhu cầu tăng sau nhiều tuần hoạt động mờ nhạt trong thời gian được cho là mùa cao điểm lái xe đi lại vào mùa hè. Sản phẩm xăng được cung cấp trong tuần gần nhất đã tăng lên 9,1 triệu thùng/ngày, mặc dù con số đó vẫn cho thấy nhu cầu giảm 6% trong 4 tuần qua so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ không thay đổi trong tháng 7 do giá xăng dầu giảm mạnh, mang lại tín hiệu hỗ trợ đáng chú ý đầu tiên cho những người dân Mỹ đã chứng kiến lạm phát leo tháng trong 2 năm qua. 
  • Giá vàng tăng nhẹ sau khi dữ liệu lạm phát tương đối ổn định tại Mỹ đã thúc đẩy dự báo rằng Fed có thể không chọn nâng lãi suất quyết liệt nữa. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,2% lên 1.797,29 USD/oz, nhưng đã xoá bớt phần nào đà tăng sau khi vọt lên mức cao nhất kể từ ngày 05/7/2022 sau dữ liệu lạm phát. Hợp đồng vàng tương lai gần như đi ngang ở mức 1.813,00 USD/oz. Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals, nhận định: “Vàng ban đầu phản ứng tức thì sau khi dữ liệu lạm phát thấp hơn khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào một Fed ít quyết liệt hơn. Tuy nhiên, sau đó họ nhận ra rằng dữ liệu này vẫn chưa hoàn toàn thấp”. David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho biết: “Yếu tố quan trọng tiếp theo đối với thị trường vàng sẽ là những nhận định và gợi ý của các quan chức Fed về lộ trình nâng lãi suất”. Cũng góp phần hỗ trợ vàng, chỉ số đồng USD lùi hơn 1%, củng cố sức hấp dẫn của vàng đối với những người mua nước ngoài. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng giảm sau dữ liệu lạm phát. 
Bản tin phái sinh 11/08/2022 - Dao động với biên độ hẹp
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang