Ngày đăng: 11/05/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ trồi sụt và Dow Jones giảm phiên thứ 4 liên tiếp, khi các chỉ số chứng khoán chính vất vả phục hồi sau một đợt bán tháo mạnh. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones lùi 84,96 điểm (-0,26%) xuống 32.160,74 điểm. Trong khi, chỉ số S&P 500 tiến 0,25% lên 4.001,05 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,98% lên 11.737,67 điểm. Thị trường vật lộn để chọn hướng đi trong phiên giao dịch biến động ngày thứ Ba chứng kiến các chỉ số chính liên tục trồi sụt. Có thời điểm, Dow Jones vọt hơn 500 điểm, nhưng sau đó rớt khoảng 350 điểm xuống mức đáy trong phiên. Phần lớn diễn biến trên thị trường gần đây là do Fed chi phối và cách Fed hành động mạnh tay như thế nào để kiềm chế lạm phát gia tăng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư tiếp tục theo dõi cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và các đợt giãn cách xã hội ở Trung Quốc.
- Giá dầu WTI về mốc 100 USD/thùng, xuống mức thấp nhất trong 2 tuần, khi triển vọng nhu cầu chịu áp lực bởi các đợt phong tỏa ở Trung Quốc và nguy cơ suy thoái ngày càng tăng, trong khi đồng USD mạnh hơn làm giá dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua đang dùng những đồng tiền khác. Kết phiên, hợp đồng dầu WTI lùi 3,33 USD (-3,2%) xuống 100,11 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent mất 3,48 USD (-3,28%) còn 102,46 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu đều giảm phiên thứ 2 liên tiếp và sụt hơn 4 USD/thùng vào đầu phiên ngày thứ Ba. Tamas Varga của công ty môi giới PVM Oil Associates nhận định: “Sự kết hợp của các đợt phong tỏa liên quan Covid-19 ở Trung Quốc và việc nâng lãi suất trên toàn thế giới để đối phó lạm phát khiến nhà đầu tư cảm thấy bị đe dọa, củng cố đồng USD và làm gia tăng đáng kể lo ngại về suy giảm kinh tế”. Đồng USD dao động gần mức cao nhất trong 2 thập kỷ trước khi dữ liệu về lạm phát có thể gợi ý triển vọng đối với chính sách của Fed.
- Giá vàng đảo chiều giảm khi đồng USD tiếp tục mạnh hơn, trong khi nhà đầu tư chuyển sự chú ý sang dữ liệu lạm phát Mỹ để tìm kiếm dấu hiệu về chiến lược chính sách tiền tệ của Fed. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,5% xuống 1.844,95 USD/oz, sau khi tăng 0,6% vào đầu phiên. Hợp đồng vàng tương lai mất 1% còn 1.841,00 USD/oz. Chỉ số đồng USD tiến 0,2%, dao động gần mức đỉnh 20 năm trong phiên trước đó. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ mức cao nhất trong gần 4 năm. Edward Moya, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Oanda, nhận định: “Đồng USD mạnh hơn đang ảnh hưởng tiêu cực đến vàng… Mặc dù chúng tôi thấy việc bán tháo trên thị trường trái phiếu đã tạm dừng, nhưng có vẻ như nhà đầu tư sẽ không ngay lập tức quay trở lại với vàng”. Chủ tịch Fed khu vực New York, John Williams, cho biết mục tiêu của Fed là làm giảm lạm phát mà không gây tổn hại nền kinh tế là một thách thức nhưng có thể thực hiện được trong bối cảnh bất ổn gia tăng do cuộc chiến ở Ukraine và đại dịch Covid-19.