Ngày đăng: 10/12/2021
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite quay đầu giảm điểm sau khi cả 3 chỉ số đều tăng 3 phiên liên tiếp. Nhà đầu tư đã chuyển sự chú ý sang dữ liệu lạm phát công bố vào ngày hôm nay. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones mất gần 1 điểm còn 35.754,69 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0,72% xuống 4.667,45 điểm và chỉ số Nasdaq Composite rớt 1,7% xuống 15.517,37 điểm. Cả 3 chỉ số chính vẫn ghi nhận mức tăng từ đầu tuần đến nay. Chứng khoán Mỹ đã xóa bớt phần nào đà tăng trong những phiên gần đây, với đà tăng điểm được thúc đẩy bởi niềm tin rằng biến thể Omicron có vẻ ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó. Các động thái trên thị trường diễn ra một ngày trước thông tin quan trọng về lạm phát. Vào ngày 10/12, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11. Các chuyên gia kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng cả năm sẽ đạt 6,7%. Nếu đúng như vậy, con số đó sẽ đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/1982. Điều đó đặt ra rủi ro rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hành động nhanh hơn so với dự báo trước đó. Các quan chức Fed được kỳ vọng sẽ phản ứng với lạm phát tăng nóng bằng cách thông báo vào tuần tới rằng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu rút lại viện trợ kinh tế của mình. Bước đầu tiên sẽ là đẩy nhanh tốc độ giảm mua trái phiếu hàng tháng, với các thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng gấp đôi mức thu hẹp lên 30 tỷ USD. Điều này có thể mở đường cho việc nâng lãi suất ngay sau mùa xuân năm 2022 và đánh dấu sự thay đổi chính sách mới nhất của Fed dưới thời Chủ tịch Jerome Powell.
Giá dầu giảm mạnh do lo ngại về triển vọng kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới sau khi hạ bậc xếp hạng đối với 2 công ty bất động sản, và sau khi một số chính phủ áp dụng các biện pháp nhằm chống lại sự lây lan biến thể Omicron. Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent lùi 1,40 USD (-1,9%) xuống 74,42 USD/thùng, rút khỏi mức đỉnh trong phiên là 76,70 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1,42 USD (-2%) còn 70,94 USD/thùng, sau khi chạm đỉnh trong phiên là 73,34 USD/thùng. Vào ngày thứ Năm, cơ quan xếp hạng Fitch đã hạ bậc các công ty bất động sản China Evergrande Group và Kaisa Group xuống trạng thái “vỡ nợ giới hạn”, nói rằng các công ty này đã vỡ nợ đối với trái phiếu nước ngoài, trong khi một nguồn tin khác cho biết Kaisa đã bắt đầu tái cơ cấu khoản nợ nước ngoài trị giá 12 tỷ USD của mình. Chuyên gia phân tích Louise Dickson của Rystad Energy nhận định: “Tin tức đã làm trầm trọng thêm lo ngại về tăng trưởng GDP của Trung Quốc và cuối cùng có thể tác động đến nhu cầu mua dầu của khách hàng dầu thô lớn nhất thế giới”. Bên cạnh đó, vào ngày 09/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã áp đặt các yêu cầu hạn chế Covid-19 cứng rắn hơn ở nước này, nói rằng người dân nên làm việc tại nhà nếu có thể, đeo khẩu trang ở những nơi công cộng và xuất trình thẻ vắc-xin Covid-19 để vào các sự kiện và địa điểm nhất định. - Giá vàng giảm do đồng USD mạnh hơn và dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm mạnh trước trước khi báo cáo lạm phát công bố có thể ảnh hưởng đến chiến lược tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,3% xuống 1.776,56 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,5% còn 1.776,70 USD/oz. Số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 52 năm. Bob Haberkorn, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tích cực hơn dự kiến cùng với đồng USD mạnh hơn đã gây áp lực cho vàng, nhưng cũng có các nhà đầu tư đang chờ dữ liệu CPI”. Đồng USD mạnh hơn, làm vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người mua nước ngoài. “Nếu con số lạm phát tăng cao, thì vàng sẽ ngay lập tức phục hồi và tiến tới mốc 1.800 USD/oz”, ông Haberkorn chia sẻ. Cuộc họp chính sách của Fed diễn ra vào ngày 14-15/12 sẽ diễn ra ngay sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ công bố vào ngày 10/12.
- Vàng đang dao động trong phạm vi tương đối chặt chẽ từ 1.760-1.790 USD/oz kể từ khi rớt mốc 1.800 USD/oz vào cuối tháng 11, khi nhà đầu tư cố gắng đánh giá nhịp độ thu hẹp kích thích của Fed và việc nâng lãi suất. Trong khi vàng được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát, lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất. Han Tan, Giám đốc phân tích thị trường tại Exinity, nhận định: “Vàng có thể ghi nhận đà tăng mới nếu thị trường trở nên lo ngại về những diễn biến liên quan đến đại dịch hoặc leo thang căng thẳng địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn”.