Ngày đăng: 10/10/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (07/10), khi nhà đầu tư đánh giá báo cáo việc làm tháng 9 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm và lãi suất tăng. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones rớt 630,15 điểm (-2,1%) xuống 29.296,79 điểm, chỉ số S&P 500 mất 2,8% còn 3.639,66 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,8% xuống 10.652,41 điểm. Vào ngày thứ Sáu, Chính phủ Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 203.000 việc làm trong tháng 9, thấp hơn một chút so với dự báo 275.000 việc làm từ Dow Jones. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,5%, giảm so với mức 3,7% hồi tháng trước, cho thấy bức tranh lao động tiếp tục mạnh mẽ ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. “Trong khi dữ liệu việc làm gần khớp với dự báo, tỷ lệ thất nghiệp giảm dường như là điều gì đó mà thị trường ám ảnh với việc có ý nghĩa gì đối với Fed”, Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Financial, nhận định. “Khi kết hợp với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu thấp, tốc độ sa thảo vẫn yếu và điều này khiến Fed hào hứng tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay”. Tỷ lệ thất nghiệp giảm khiến lãi suất tăng, qua đó gây áp lực lên chứng khoán. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm cộng 6 điểm cơ bản lên 4,316%.
- Giá dầu tăng hơn 4% lên mức cao nhất 5 tuần, bởi quyết định của OPEC+ trong tuần này thực hiện cắt giảm nguồn cung lớn nhất kể từ năm 2020, bất chấp lo ngại về khả năng suy thoái và lãi suất đang cao. Chốt phiên, dầu thô Brent tăng 3,5 USD (+3,7%) lên 97,92 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 4,19 USD (+4,7%) lên 92,64 USD/thùng. Dầu Brent đã có mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 30/8 và WTI cao nhất kể từ ngày 29/8. Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ diễn ra trước một lệnh cấm vận dầu mỏ từ Nga của Liên minh Châu Âu và sẽ siết chặt nguồn cung trong một thị trường vốn đã khan hiếm. Tổng thư ký của OPEC Haitham al-Ghais cho biết việc cắt giảm mục tiêu sản lượng sẽ khiến OPEC+ có thêm nguồn cung để khai thác trong trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Trong khi đó, số giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ số sớm của sản lượng tương lai, đã giảm 2 giàn trong tuần này xuống 602 giàn, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, do lạm phát cao buộc các nhà sản xuất phải chi tiền nhiều hơn để có được công nhân và thiết bị.
- Giá vàng giảm sau khi số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự kiến củng cố dự đoán Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ thực hiện các đợt tăng mạnh lãi suất. Vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.700,03 USD/ounce, giá đã giảm khoảng 2,4% trong tuần này. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 0,7% xuống 1.709,3 USD/tấn. Số liệu cho thấy các nhà tuyển dụng Mỹ đã thuê nhiều công nhân hơn dự kiến trong tháng 9, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%. Vàng rất nhạy cảm với lãi suất đang tăng của Mỹ, vì điều này làm tăng chi phí giữ vàng, đồng thời thúc đẩy tăng giá USD.