Ngày đăng: 10/08/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi nhà đầu tư tiếp nhận một loạt báo cáo kinh doanh đáng thất vọng trước khi có kết quả lạm phát quan trọng. Đóng cửa, chỉ số S&P 500 lùi 0,42% xuống 4.122,47 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 1,19% còn 12.493,93 điểm. Chỉ số Dow Jones hạ 58,13 điểm (-0,18%) xuống 32.774,41 điểm. Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi công ty sản xuất con chip nhớ Micron cảnh báo doanh thu có thể giảm so với dự báo trước đó vì “các yếu tố kinh tế vĩ mô và những hạn chế của chuỗi cung ứng”. Cổ phiếu Micron giảm hơn 3%. Đây là một tuần khó khăn đối với các công ty sản xuất con chip. Vào ngày 08/8, dự báo doanh thu thấp hơn kỳ vọng từ Nvidia đã gây áp lực lên nhóm này và những cổ phiếu đã nối dài đà giảm vào ngày thứ Ba. S&P 500 đã tăng 3 tuần liên tiếp, tuy nhiên, mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã xuất hiện những cảnh báo về nhu cầu từ giám đốc điều hành các công ty lớn. Nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ để xác định cuộc chiến chống lạm phát của Fed đang diễn ra như thế nào đối với nền kinh tế. Ngoài con chip, một số cổ phiếu thuộc Nasdaq Composite cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Cổ phiếu Novavax bốc hơi 30% sau khi cắt giảm triển vọng doanh thu cả năm do nhu cầu đối với vắc-xin Covid-19 giảm. Cổ phiếu Upstart sụt hơn 11% sau khi công ty cho vay tiêu dùng công bố kết quả kinh doanh quý 2 không đạt kỳ vọng cả về lợi nhuận và doanh thu. Đặc biệt, nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả mới nhất của chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ tháng 7, dự kiến công bố vào ngày thứ Tư (10/8). Báo cáo được dự báo sẽ cho thấy lạm phát giảm nhẹ, một phần nhờ giá dầu giảm, điều này có thể giúp thị trường dự đoán các bước tiếp theo của Fed.
- Giá dầu giảm nhẹ sau phiên biến động trồi sụt, do lo ngại rằng nền kinh tế suy yếu có thể làm giảm nhu cầu trước thông tin rằng một số hoạt động xuất khẩu dầu đã bị đình chỉ trên đường ống Druzhba từ Nga sang châu Âu quá cảnh ở Ukraine. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 34 xu (-0,4%) xuống 96,31 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 26 xu (-0,3%) còn 90,50 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, cả 2 hợp đồng đều tăng và giảm hơn 1 USD/thùng. Ukraine đã ngăn chặn dầu trên đường ống dẫn dầu Druzhba đến các khu vực Trung Âu vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ngăn cản Moscow thanh toán phí vận chuyển. Nguồn cung dầu dọc theo tuyến đường phía nam của đường ống Druzhba đã bị ảnh hưởng, trong khi tuyến phía bắc phục vụ Ba Lan và Đức không bị gián đoạn. Dầu ban đầu đã tăng vọt nhờ tin về đường ống dẫn dầu và kỳ vọng rằng việc đóng cửa sẽ thắt chặt nguồn cung, nhưng giá dầu đã đảo chiều giảm khi các chi tiết trở nên rõ ràng hơn về nguyên nhân gián đoạn. Giá dầu cũng chịu áp lực bởi các cuộc đàm phát về nỗ lực cuối cùng của các quốc gia châu Âu nhằm hồi sinh thoả thuận hạt nhân Iran. Vào ngày thứ Hai, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một văn bản “cuối cùng” để khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran năm 2015. Một quan chức cấp cao của EU cho biết quyết định cuối cùng về đề xuất này, vốn cần sự chấp thuận của Mỹ và Iran, được dự kiến đưa ra trong vòng “rất, rất, rất ít tuần”. Các cuộc đàm phán đã kéo dài hàng tháng trời mà không đạt được thoả thuận nào.
- Giá vàng tăng nhẹ, được hỗ trợ bởi đà suy yếu của đồng USD, trong khi những người tham gia thị trường chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ để tìm kiếm những dấu hiệu về lộ trình thắt chặt chính sách của Fed. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,4% lên 1.794,76 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,4% lên 1.811,40 USD/oz. Đồng USD suy yếu làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài. Chỉ số đồng USD (ICE U.S Dollar Index) - thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – lùi 0,3%. Daniel Pavilonis, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Vàng hiện đang được hưởng lợi từ đồng USD suy yếu và tình hình Nga – Ukraine, trong khi sự tập trung là những gì xảy ra với CPI vào ngày thứ Tư (10/8)”. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ trong tháng 7 dự kiến công bố vào sáng ngày 10/8. Một cuộc thăm dò của Fed khu vực New York vào ngày 08/8 cho thấy kỳ vọng của người tiêu dùng Mỹ về mức độ lạm phát trong 1 năm và 3 năm đã giảm mạnh trong tháng 7/2022. Trước khi công bố báo cáo lạm phát, các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters kỳ vọng lạm phát hàng năm sẽ giảm từ 9,1% trong tháng 6 xuống 8,7% trong tháng 7. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể sẽ phải nâng lãi suất thêm để giải quyết áp lực lạm phát đang hiện hữu trong nền kinh tế Anh, Phó Thống đốc BoE Dave Ramsden cho biết.