Ngày đăng: 10/03/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ quay đầu tăng mạnh khi đà tăng gần đây của giá hàng hóa, đặc biệt là dầu, hạ nhiệt trong khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones cộng 653,61 điểm (+2,0%) lên 33.286,25 điểm, được hỗ trợ bởi đà tăng của cổ phiếu Salesforce, Nike và JPMorgan. Chỉ số S&P 500 tiến 2,6% lên 4.277,88 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2020. Chỉ số Nasdaq Composite vọt 3,6% lên 13.255,55 điểm, cũng ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020, được thúc đẩy bởi đà tăng vọt của các cổ phiếu công nghệ lớn. Đà tăng điểm trong ngày thứ Tư đã đưa chỉ số Dow Jones ra khỏi vùng điều chỉnh và chỉ số Nasdaq Composite ra khỏi thị trường con gấu. Thị trường đang phản ứng với sự suy giảm giá hàng hóa, vốn đã khiến cổ phiếu chao đảo gần đây. Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng đã nhảy vọt trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, trong khi một số kim loại cũng ghi nhận mức tăng mạnh.
- Giá dầu giảm đột ngột, xóa bớt phần nào đà leo dốc trong tháng này trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn từ cuộc chiến Nga – Ukraine. Kết phiên, hợp đồng dầu WTI sụt 15 USD (-12%) xuống 108,7 USD/thùng, ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 26/11/2021. Hồi đầu tuần này, dầu WTI đã tích tắc vượt mốc 130 USD/thùng – mức đỉnh 13 năm – trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang. Hợp đồng dầu Brent mất 16,8 USD (-13%) còn 111,1 USD/thùng, cũng ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Giá dầu suy giảm trong bối cảnh Mỹ có thể đạt được tiến triển trong việc khuyến khích sản xuất nhiều dầu hơn từ các nguồn khác. Reuters đưa tin Iraq cho biết sẽ tăng sản lượng nếu OPEC+ yêu cầu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng phát tín hiệu rằng Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ hỗ trợ OPEC+ tăng sản lượng.
- Giá vàng giảm xuống dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce, trong khi palađi cũng giảm mạnh, do giá dầu giảm đã hỗ trợ các tài sản rủi ro hơn phục hồi, sau khi giảm mạnh bởi xung đột Nga – Ukraine. Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 3,3% xuống 1.983,96 USD/ounce, sau khi đạt gần mức cao kỷ lục trong tháng 8/2020 và vàng kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn New York giảm 2,7% xuống 1.988,2 USD/ounce. Giá palađi giảm 7,5% xuống 2.940,72 USD/ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục 3.440,76 USD/ounce trong phiên ngày 7/3/2022, được thúc đẩy bởi lo ngại gián đoạn nguồn cung từ nước sản xuất hàng đầu – Nga.