Ngày đăng: 10/02/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm khi nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng trên thị trường, xóa bớt phần nào mức giảm sau một khởi đầu năm mới đầy khó khăn. Đóng cửa, chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,08% lên 14.490,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,5% lên 4.587,18 điểm, còn chỉ số Dow Jones cộng 305,28 điểm (+0,86%) lên 35.768,06 điểm. Ngày thứ Tư đánh dấu phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp của Nasdaq Composite, và chỉ số này đã vọt hơn 8% kể từ mức đáy gần đây vào ngày 27/01/2022 sau khi rơi vào vùng điều chỉnh hồi đầu năm nay. Theo FactSet, tính đến đầu phiên ngày thứ Tư, khoảng 60% số công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2021 và khoảng 77% trong số này có lợi nhuạn vượt kỳ vọng của Phố Wall. Disney, Mattel, MGM Resorts và Uber Technologies sẽ công bố kết quả sau phiên ngày thứ Tư. Nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị đón nhận báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI công bố vào ngày 10/02, báo cáo này sẽ đưa ra cập nhật về bức tranh lạm phát. Fed đã phát tín hiệu sẽ thay đổi chính sách tiền tệ để đối phó lạm phát tăng cao. Lợi suất trái phiếu giảm nhẹ vào ngày thứ Tư trong bối cảnh tăng đột biến trong năm 2022, qua đó tạo ra hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu công nghệ. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động gần mức 1,945% sau khi chạm mức 1,97% vào ngày 08/02.
- Giá dầu ổn định quanh mức 90 USD/thùng nhưng triển vọng tăng nguồn cung từ Iran và Mỹ đã gây áp lực lên thị trường. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 34 xu (-0,4%) xuống 90,44 USD/thùng. Trong khi, hợp đồng dầu WTI tiến 30 xu (+0,34%) lên 89,66 USD/thùng. Hợp đồng dầu đã giảm khoảng 2% vào ngày 08/02 khi Washington nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp với Iran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Một thỏa thuận thành công có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ Iran và nhanh chóng bổ sung nguồn cung cho thị trường, mặc dù một số vấn đề quan trọng vẫn cần được giải quyết. Tâm lý thị trường cũng chịu ảnh hưởng bởi báo cáo định kỳ hàng tháng mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Cơ quan này đã nâng triển vọng sản lượng dầu thô tại Mỹ bình quân đạt 11,97 triệu thùng/ngày trong năm nay. Ngoài ra, những lo ngại về rủi ro địa chính trị dường như đã dịu bớt vào ngày thứ Tư, theo một số chuyên gia phân tích. “Những lo ngại về xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine dường như đã giảm bớt phần nào sau những nỗ lực ngoại giao mới nhất, qua đó làm giảm chi phí rủi ro đối với giá dầu”, chuyên gia phân tích hàng hóa Carsten Fritsch của Commerzbank nhận định. Tuy nhiên, áp lực suy giảm đối với giá dầu đã phần nào bị hạn chế bởi dữ liệu về dự trữ tại Mỹ. Dự trữ dầu thô, xăng và các sản phẩm chưng cất tại Mỹ giảm trong tuần trước, theo báo cáo của Viện Xăng dầu Mỹ (API). Cụ thể, dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 2 triệu thùng trong tuần trước, theo API, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 400.000 thùng từ các chuyên gia phân tích.
- Giá vàng tăng, được hỗ trợ bởi đà suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu, mặc dù giá vàng dao động trong phạm vi hẹp khi nhà đầu tư kiềm chế đặt cược lớn trước khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,5% lên 1.834,30 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,4% lên 1.835,10 USD/oz. “Đồng USD giảm một chút và có vẻ phần nào hỗ trợ cho vàng, nhưng nhìn chung thị trường vàng vẫn đi ngang chờ dữ liệu CPI công bố vào ngày mai”, Daniel Pavilonis, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định. Tất cả sự chú ý trên thị trường đều tập trung về dữ liệu giá tiêu dùng tháng 01/2022 tại Mỹ công bố vào ngày 10/02, để có thể cung cấp thêm thông tin rõ ràng hơn về lộ trình nâng lãi suất của Fed. Chỉ số lạm phát mạnh được kỳ vọng sẽ củng cố sức hấp dẫn của vàng như một kênh trú ẩn an toàn, tuy nhiên, việc nâng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng. Các quan chức Fed đã báo hiệu rằng sẽ bắt đầu nâng lãi suất vào tháng tới để đối phó với lạm phát gia tăng.