Quay lại

Ngày đăng: 10/02/2020

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

•       Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục khởi sắc trong tuần qua nhờ vào dữ liệu kinh tế đáng khích lệ và các nhà đầu tư tin tưởng rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi kiểm soát được sự bùng phát virus corona. Các chỉ sổ chứng khoán chính đều tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục.Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 29.102 điểm (tăng 2,99%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 9.520 điểm (tăng 4,04%), và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 3.327 điểm (tăng 3,17%). Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin tăng điểm vượt trội trong số các ngành của thị trường. Báo cáo việc làm chính thức của Bộ Lao động Mỹ vào thứ Sáu cho thấy số lượng việc làm mới tăng thêm 225.000 việc làm trong tháng, vượt quá ước tính của các chuyên gia. Thu nhập trung bình của người lao động cũng tăng với tốc độ tốt.
•       Thị trường chứng khoán châu Âu đã tăng điểm trở lại và đạt mức cao kỷ lục trong tuần sau khi các tập đoàn lớn công bố kết quả thu nhập mạnh mẽ. Chỉ số FTSE 100 của Vương quốc Anh đóng cửa ở 7.467 điểm (tăng 2,48%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.514 điểm (tăng 4,10%), chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 6.029 điểm (tăng 3,85%).Tuần qua, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã phát biểu trước Nghị viện châu Âu rằng tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro vẫn khiêm tốn và vẫn cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Dữ liệu kinh tế cho thấy sản xuất công nghiệp ở Đức và Pháp đã sụt giảm trong tháng 12, khi các nhà máy phải vật lộn trong bối cảnh suy thoái và đình công diễn ra ở Pháp. Ngoài ra, số lượng đơn đặt hàng sản xuất của Đức đã giảm 2,1% trong tháng 12.
•       Thị trường chứng khoán Nhật Bản phục hồi sau đợt giảm mạnh trong tuần trước. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 23.827 điểm (tăng 2,68%). Đồng yên đóng cửa ở mức 109,90 Yên/ đô la Mỹ. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) Masazumi Wakatabe đã xác nhận trong một bài phát biểu rằng ngân hàng trung ương sẽ không ngần ngại sử dụng các biện pháp nới lỏng bổ sung để đạt được mục tiêu. Ngân hàng trung ương vẫn kỳ vọng mức tăng trưởng GDP ở mức 0,9% cho năm 2020 và 1,1% cho năm 2021.Mặc dù chứng khoán hồi phục mạnh trong tuần, các nhà lãnh đạo Nhật Bản tuyên bố rằng họ vẫn chú ý đến tác động lâu dài mà virus corona đối với nền kinh tế của đất nước. Trong một thông điệp gửi tới Nghị viện, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda khẳng định rằng ngân hàng trung ương sẽ không ngần ngại củng cố nền kinh tế Nhật Bản trước những gián đoạn kinh tế do virus gây ra.
•       Thị trường chứng khoán Trung Quốc mở cửa trở lại vào ngày 3 tháng 2, sau khi kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do ảnh hưởng của virus corona. Ngay sau khi mở cửa, các chỉ số chứng khoán đều giảm mạnh trên 7%. Tuy nhiên sau đó, nhờ sự can thiệp của Ngân hàng trung ương, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại và thị trường hồi phục trở lại. Kết thúc tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.875 điểm (giảm 3,38%), chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 27.404 điểm (tăng 4,15%).Trong một động thái khác, Trung Quốc đã tuyên bố vào hôm thứ Năm rằng họ sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ. Giới đầu tư cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy mâu thuẫn thương mại giữa hai nước đang được giải quyết tích cực và sẽ sớm được tháo gỡ.
•       Giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên cuối tuần và có tuần giảm thứ 5 liên tiếp do lo lắng về thiệt hại kinh tế bởi sự bùng phát virus corona từ Trung Quốc tới 29 quốc gia đã khiến hơn 800 người thiệt mạng. Chốt phiên cuối tuần, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm giảm 0,48 USD, hay 0,87%, xuống 54,45 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,59 USD/thùng, còn 50,36 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu WTI giảm 2,4%, trong khi giá dầu Brent giảm 3,8%. Cả hai loại dầu này đều giảm tuần thứ năm liên tiếp, đà giảm dài nhất kể từ tháng 11/2018.

Bản tin phái sinh 10/02/2020 - Giằng co trong biên hẹp
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang