Ngày đăng: 10/01/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm và khép lại tuần giao dịch đầu tiên trong năm khá khó khăn, khi nhóm cổ phiếu công nghệ bị vùi dập bởi đà tăng lãi suất. Kết phiên, chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,9% xuống 14.935,90 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,4% còn 4.677,03 điểm, chứng kiến chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 9/2021. Chỉ số Dow Jones hạ 4,81 điểm (-0,01%) xuống 36.231,66 điểm. Nasdaq Composite ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 02/2021, sụt 4,5% trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022. Cũng trong thời gian này, S&P 500 rớt 1,8% và Dow Jones giảm 0,29% khi nhà đầu tư chuyển sang những cổ phiếu giá trị trong bối cảnh lãi suất tăng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt mốc 1,8% vào ngày thứ Sáu, tiếp nối đà leo dốc năm 2022 từ mức 1,51% vào cuối năm 2021. Biên bản cuộc họp tháng 12/2021 của Fed công bố vào ngày 05/01 là chất xúc tác chính cho đà tăng lãi suất. Các ghi chú trong cuộc họp cho thấy ngân hàng trung ương đã sẵn sàng thu hẹp các biện pháp hỗ trợ kinh tế một cách nhanh chóng hơn so với một số dự đoán, bao gồm cắt giảm bảng cân đối kế toán và nâng lãi suất. Bên cạnh đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm ít việc làm hơn so với dự báo trong tháng 12/2021. Báo cáo cho thấy có thêm 199.000 việc làm trong tháng 12/2021, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 422.000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế, theo Dow Jones. Trong khi số liệu chính về lao động gây thất vọng, có một số điều trong báo cáo việc làm cho thấy bức tranh kinh tế đang được cải thiện và lạm phát cao. Thu nhập bình quân mỗi giờ đã tăng 0,6%, cao hơn dự kiến. Và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,9%, mức thấp nhất kể từ tháng 02/2020 và thấp hơn mức dự báo 4,1%. Vì vậy sau một số phân tích từ báo cáo việc làm, lợi suất tiếp tục leo cao.
- Giá dầu quay đầu giảm nhẹ khi thị trường cân nhắc những lo ngại về nguồn cung từ bất ổn ở Kazakhstan và tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Libya so với báo cáo việc làm Mỹ không đạt như kỳ vọng và khả năng tác động của nó đến chính sách của Fed. Đóng cửa, hợp đồng dầu Brent lùi 24 xu (-0,3%) xuống 81,75 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 56 xu (-0,7%) còn 78,90 USD/thùng. Dầu Brent và dầu WTI đã vọt 5% trong tuần đầu tiên của năm 2022, với giá dao động ở mức cao nhất từ cuối tháng 11/2021, được hỗ trợ bởi những lo ngại về nguồn cung. “Dữ liệu việc làm tại Mỹ đã đặt ra câu hỏi về việc chúng ta sẽ đi đến đâu từ đây và những lo ngại về biến thể Omicron đã len lỏi trở lại thị trường”, John Kilduff, Đối tác tại Again Capital Management, nhận định. Cả 2 hợp đồng dầu đều tăng 1 USD vào đầu phiên, tuy nhiên, cùng với thị trường chứng khoán và đồng USD, dầu phải chịu áp lực sau báo cáo việc làm thất vọng của Mỹ. Theo đó, số việc làm tại Mỹ đã tăng thấp hơn dự báo trong tháng 12/2021 trong bối cảnh thiếu lao động, và việc làm có thể tăng vừa phải trong ngắn hạn do số ca nhiễm Covid làm gián đoạn hoạt động kinh tế. Trong khi đó, nguồn cung bổ sung từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các đồng minh, gọi chung là OPEC+, không theo kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu. Sản lượng của OPEC trong tháng 12/2021 tăng 70.000 thùng/ngày so với tháng trước, thấp hơn so với mức tăng 253.000 thùng/ngày được cho phép theo thỏa thuận nguồn cung của OPEC+. Dữ liệu của Chính phủ Mỹ trong tuần này cũng cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, giảm tuần thứ 6 liên tiếp vào cuối năm 2021 xuống thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Ngoài ra, dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu tại Mỹ đã cộng 1 giàn lên 481 giàn trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
- Giá vàng khởi sắc từ mức đáy 3 tuần sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng việc làm Mỹ chậm hơn dự kiến vào tháng trước ngay cả khi Fed báo hiệu nâng lãi suất nhanh hơn, khiến vàng giảm trong tuần qua. Kết phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,5% lên 1.797,10 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,5% lên 1.797,40 USD/oz. Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo tại UBS nhận định: “Với số lượng việc làm tăng thấp hơn dự kiến trong tháng 12/2021, nhưng với tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm, đó là một báo cáo hỗn hợp đối với vàng”. “Phản ứng giá vàng cho thấy thị trường đang tập trung hơn vào rủi ro lạm phát trước cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC)”, Chuyên gia phân tích Suki Cooper tại Standard Chartered cho biết. Chỉ số đồng USD giảm 0,6%, làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài. Giá vàng trước đó đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 16/12/2021 là 1.782,10 USD/oz và giảm 1,7% trong tuần qua, tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 26/10/2021, khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm đỉnh 2 năm. Biên bản cuộc họp của Fed vào ngày 05/01 cho thấy các quan chức đã thảo luận về việc thu hẹp lượng nắm giữ tài sản và nâng lãi suất sớm hơn dự kiến để chống lạm phát. Kim loại quý hiện rất nhạy cảm với đà tăng lãi suất Mỹ, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không đem lại lợi suất.