Ngày đăng: 09/12/2021
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ khi nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng khả năng ảnh hưởng của biến thể Omicron sẽ không đe dọa như nhiều người nghĩ trước đó. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones đảo chiều tăng vào gần cuối phiên, nhích 35,32 điểm (+0,1%) lên 35.754,75 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 0,3% lên 4.701,21 điểm và còn cách 0,9% so với mức cao kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,6% lên 15.786,99 điểm. Nhiều người đã dự đoán biến thể mới sẽ có thể quản lý được, một kỳ vọng đã giúp thúc đẩy đà phục hồi vào ngày 06/12 và đà leo dốc tiếp theo vào ngày 07/12. Mike Zigmont, Giám đốc giao dịch và nghiên cứu tại Harvest Volatility Management, nhận định thị trường hiện đang mang tính kỹ thuật cao, và các nhà đầu tư đã đổ vào cổ phiếu sau khi bắt đáy “để tận dụng lợi thế của điều mọi người nghĩ sắp tới, đó là leo cao hơn”. Tuy nhiên, ông Zigmont nói thêm những mức đỉnh mới đó có thể sẽ không xuất hiện cho đến tháng 01/2022. Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong báo cáo Tuyển dụng và Khảo sát Doanh thu Lao động (JOLTS) rằng số lượng lao động bỏ việc do không hài lòng hoặc có cơ hội tốt hơn ở nơi khác đã giảm 4,7% trong tháng 10. Mức tuyển dụng tăng 4,1% lên ngay sát mức cao mọi thời đại.
- Giá dầu tăng trong phiên đầy biến động, tạm chững lại sau khi tăng vọt hồi đầu tuần, khi nhà đầu tư đánh giá tác động của biến thể Omicron đến kinh tế toàn cầu. Thị trường đã có phản ứng khá im ắng trước số liệu dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ, cho thấy dự trữ dầu thô giảm nhẹ hơn dự báo và sản lượng chung vẫn tăng, tạo niềm tin cho dự báo rằng nguồn cung sẽ tăng trong những tháng tới. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent tiến 38 xu (+0,5%) lên 75,83 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 31 xu (+0,43%) lên 72,36 USD/thùng. Giá dầu Brent đã bật tăng hơn 9% kể từ ngày 01/12 nhờ các dấu hiệu biến thể Omicron chỉ có tác động hạn chế đến nhu cầu dầu, sau khi lao dốc 16% kể từ ngày 25/11/2021.“Hiện vẫn chưa có tác động đáng chú ý nào đến nhu cầu dầu. Ngay cả với hàng không, lĩnh vực đáng lẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên, cũng chỉ giảm nhẹ sức chứa chổ ngồi cho khách hàng”, Commerzbank cho biết. Sự xuất hiện của biến thể Omicron kết hợp với việc Mỹ quyết định giải phóng dự trữ từ kho Dự trữ Chiến lược đã khiến thị trường lao dốc với kỳ vọng rằng cung sẽ vượt quá cầu vào những tháng đầu năm 2022. Cuối cùng, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi chung là nhóm OPEC+, chọn duy trì kế hoạch tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng – bất chấp những lo ngại rằng biến thể Covid-19 mới sẽ làm suy yếu nhu cầu. Trong khi đó, sản lượng dầu tại Mỹ tăng lên 11,7 triệu thùng/ngày trong tuần gần nhất, mặc dù số liệu sản lượng hàng tuần có nhiều biến động. Bộ Năng lượng Mỹ cũng cho biết dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất tăng mạnh hơn dự báo, còn dự trữ dầu thô chỉ giảm 240.000 thùng, thấp hơn so với dự báo.
- Giá vàng gần như không đổi với đà suy yếu của đồng USD bù đắp đà tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ, khi nhà đầu tư nắm giữ vị thế chờ dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ trong tuần này. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao ngay gần như đi ngang tại mức 1.784,01 USD/oz, giảm từ mức đỉnh trong phiên là 1.792,90 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cũng hầu như không đổi ở mức 1.785,50 USD/oz. Phillip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, nhận định: “Áp lực duy nhất mà vàng phải nhận là đà tăng lợi suất trái phiếu, nhưng mức tăng của lợi suất là khá nhỏ”. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng, làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Mặt khác, chỉ số đồng USD giảm, làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Vàng được neo ở mức 1.780-1.800 USD/oz, chờ đợi tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng CPI. Báo cáo CPI công bố vào ngày 10/12 có thể ảnh hưởng đến thời điểm Fed thu hẹp các biện pháp hỗ trợ kinh tế trước cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 14-15/12.