Quay lại

Ngày đăng: 09/09/2019

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
• Thị trường chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu với mức tăng điểm nhẹ, nhưng khép lại tuần với mức tăng khá mạnh.Hỗ trợ đà tăng điểm trong tuần qua đến từ thông tin Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại trong tháng 10. Bên cạnh đó là việc đặt cược của giới đầu tư vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sắp hạ lãi suất, bên cạnh kế hoạch kích cầu của Trung Quốc giúp xoa dịu nỗi lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, Dow Jones tăng 0,26%, đạt 26.797,6 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,09%, đạt 2.978,72 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,17%, đạt 8.103,07 điểm.Tính chung cả tuần, S&P 500 tăng 1,8%; Dow Jones tăng 1,5% và Nasdaq tăng 1,8%.
• Vào ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 130.000 việc làm trong tháng 8, đánh dấu lượng việc làm mới giảm tháng thứ 7 liên tiếp, thấp hơn so với dự báo tăng 150.000 việc làm từ cuộc thăm dò của Dow Jones. Tuy nhiên, một dấu hiệu tích cực là tiền lương tăng mạnh - nhân tố sẽ giúp người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi tiêu, duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh những mối đe dọa từ thương chiến ngày càng gia tăng.Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định ở mức 3,7% trong khi tăng trưởng tiền lương mạnh hơn dự báo. Tiền lương tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
• Hầu hết các thị trường lớn ở châu Âu đều tăng trong suốt tuần do phấn khích vì những bước tiến trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chốt phiên cuối tuần, chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.282 điểm (tăng0,15%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.192 điểm (tăng0,54%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.604điểm (tăng0,19%). Tính chung cả tuần chỉ số DAX 30 của Đức tăng 2,11%, chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 2,25% và chỉ số FTSE 100 của Anh tăng1,04%. Đồng bảng Anh chịu áp lực lớn do vấn đề Brexit vẫn khá phức tạp trong nội bộ nước Anh. Trong khi đó, dữ liệu từ Eurozone cho thấy ngành sản xuất của khu vực trong tháng 8 suy giảm lần đầu tiên trong 7 tháng.Tình trạng tụt giảm nhu cầu tiếp diễn khiến các doanh nghiệp sản xuất ở châu Âu ngày càng bi quan.
• Thị trường chứng khoán châu Á giữ được đà tăng chủ yếu nhờ những tín hiệu tích cực trong tình hình chính trị tại Hong Kong và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Dự luật dẫn độ của Hong Kong đã được chính quyền rút lại trong khi các quan chức Mỹ, Trung Quốc vừa thống nhất trở lại bàn đàm phán vào đầu tháng 10. Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư thoải mái hơn sau báo cáo của 2 nền kinh tế lớn. Trong đó, kinh tế Australia quý II tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, số liệu của Caixin/Markit cho biết PMI sản xuất của Trung Quốc lên 52,1 điểm, cao nhất kể từ tháng 5.
• Thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 21.199 điểm (tăng 2,39%) so với tuần trước. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite leo dốc 3,93% lên 2.999,60 điểm, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2019, trong khi chỉ số ChiNext – vốn bao gồm nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ - đã mấp mé ngưỡng gia nhập vào thị trường con bò, tức tăng ít nhất 20% so với đỉnh gần đó. Nhà đầu tư nước ngoài bơm ròng 26,8 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3,8 tỷ USD) vào thị trường chứng khoán Trung Quốc thông qua các kênh liên kết giao dịch trong tuần này, rót vốn mạnh nhất kể từ tháng 2/2019. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 3,76% lên 26.691 điểm.
• Bất chấp hai phiên đi xuống vào đầu tuần, thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua vẫn ghi nhận một tuần khởi sắc, với giá dầu Brent tăng tuần thứ tư liên tiếp. Hỗ trợ đà tăng giá dầu trong tuần là việc lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm tuần thứ 3 liên tiếp. Kết thúc tuần, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 trên sàn Nymex tăng 2,6% lên 56,52 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 trên sàn Luân Đôn tăng 3,9% lên 61,54 USD/thùng.

Bản tin phái sinh 09/09/2019 - Dòng tiền tiếp tục suy yếu
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang