Quay lại

Ngày đăng: 09/02/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

  • Chứng khoán Mỹ khởi sắc khi nhà đầu tư đón nhận một loạt báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp khác và chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng dự kiến công bố vào cuối tuần này. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 371,65 điểm (+1,06%) lên 35.462,78 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 0,84% lên 4.521,54 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,28% lên 14.194,45 điểm. Phố Wall đang hồi hộp theo dõi xem Fed sẽ phản ứng như thế nào trước áp lực giá cả leo cao, với việc nhiều nhà đầu tư xem dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng CPI công bố vào ngày 10/02 là một sự kiện quan trọng đối với thị trường trong tuần này. Dữ liệu lạm phát dự kiến cho thấy giá tăng 0,4% trong tháng 01/2022, và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu chính xách đây sẽ là mức cao nhất trong gần 40 năm. Tính đến sáng ngày thứ Ba, khoảng 300 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh, với 77% số công ty này có lợi nhuận vượt kỳ vọng và 75% có doanh thu cao hơn dự báo, dựa theo dữ liệu từ FactSet. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh mạnh mẽ vẫn chưa đủ để đưa thị trường bật lên từ đà lao dốc tháng 01/2022, và triển vọng tương lai yếu kém có thể là một phần của những điều đang kìm hãm đà phục hồi. Động thái thị trường vào ngày thứ Ba đã xóa sạch mức lỗ trong ngày thứ Hai (07/02) đối với S&P 500 và Nasdaq Composite. Các chỉ số chính hiện ghi nhận mức tăng từ đầu tuần đến nay.
  • Giá dầu tiếp tục giảm trước khi nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran về thỏa thuận hạt nhân có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với hoạt động bán dầu của Iran, qua đó làm gia tăng nguồn cung toàn cầu. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 1,78 USD (-1,9%) xuống 90,91 USD/thùng, sau khi chạm mức đỉnh 7 năm là 94 USD/thùng vào ngày 07/02. Hợp đồng dầu WTI mất 1,72 USD (-1,9%) còn 89,60 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng này đều đã chạm đỉnh 7 năm gần đây, được hỗ trợ bởi nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, căng thẳng leo thang ở Đông Âu và khả năng gián đoạn nguồn cung do điều kiện thời tiết lạnh giá ở Mỹ. Các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, vốn đang diễn ra ở Vienna, sẽ nối lại vào ngày thứ Ba sau 10 ngày tạm dừng. Mỹ đã khôi phục một số lệnh miễn trừng phạt, trong khi Iran đang yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt và Mỹ đảm bảo không có thêm các bước trừng phạt. “Tuy nhiên, nhiều tín hiệu khởi sắc tiếp tục xuất hiện đối với dầu”, các chuyên gia phân tích tại ANZ cho biết, chỉ ra việc Ả-rập Xê-út đang nâng giá dầu và một nhà máy lọc dầu tại Mỹ bất ngờ đóng cửa. Edward Moya, Chuyên gia phân tích tại Oanda, nhận định: “Mặc dù sự lạc quan về các cuộc đàm phán Mỹ - Iran đã dẫn đến một số động thái chốt lời, đà suy yếu của giá dầu có thể sẽ chỉ tồn tại trong ngắn hạn khi thị trường dầu vẫn trong tình trạng thâm hụt nguồn cung”.
  • Trước bối cảnh thị trường chứng khoán chao đảo do những lo lắng về lạm phát gia tăng, giá vàng tiếp tục tăng mạnh với mức tăng trên 5 USD/ ounce so với phiên giao dịch trước đó. Cụ thể, giá vàng kỳ hạn tháng 4 tăng 6,7 USD lên mức 1.828,5 USD/ ounce. Vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.825,6 USD/ ounce, tăng 5,3 USD/ ounce. Điểm chú ý tuần này chính là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 dự kiến sẽ được công bố vào sáng thứ 5. Nhiều ý kiến dự đoán chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 sẽ tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện đang có nhiều tín hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang sẽ quyết liệt hơn trong kiểm soát lạm phát và có thể sẽ quyết định nâng lãi suất huy động vốn thêm 0,5% tại cuộc họp tháng 3. Lịch sử cho thấy lãi suất tăng và lạm phát gia tăng sẽ gây áp lực cho thị trường chứng khoán, nhưng lại thúc đẩy thị trường kim loại đi lên.
Bản tin phái sinh 09/02/2022 - Canh Long trong các nhịp rung lắc
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang