Quay lại

Ngày đăng: 08/09/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • Chứng khoán Mỹ khởi sắc – cố gắng thoát khỏi tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp – khi lãi suất và giá dầu giảm, làm dịu bớt lo ngại của nhà đầu tư về lạm phát tiếp tục tăng cao. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 435,98 điểm (+1,4%) lên 31.581,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,83% lên 3.979,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 2,14% lên 11.791,90 điểm, chấm dứt chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm sau khi tăng vào ngày thứ Ba (06/9). Giá dầu cũng lao dốc, với dầu WTI khéo phiên ở mức 81,94 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 01/2022. Đồng Bảng Anh (GBP) chạm mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1985. Chứng khoán Mỹ khởi sắc khi Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Lael Brainard, tái khẳng định rằng ngân hàng trung ương sẽ hành động cần thiết để kiềm chế lạm phát, đồng thời lưu ý rủi ro đi quá xa. Nhiều nhà đầu tư quyết định tập trung vào điểm sau này từ bài phát biểu của bà Brainard. Bà Brainard cho biết: “Tại một số thời điểm trong chu kỳ thắt chặt, rủi ro sẽ trở thành vấn đề 2 mặt. Sự nhanh chóng của chu kỳ thắt chặt và bản chất ảnh hưởng toàn cầu của nó, cũng như sự bất định về tốc độ mà các tác động của điều kiện tài chính thắt chặt đang ảnh hưởng đến tổng cầu, tạo ra những rủi ro liên quan đến việc thắt chặt quá mức”. 
  • Giá dầu giảm hơn 4 USD xuống mức thấp nhất kể từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, do lo ngại nhu cầu xuất hiện bởi rủi ro suy thoái và dự liệu thương mại ảm đạm của Trung Quốc. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent rớt 4,83 USD (-5,2%) xuống 88 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 4,94 USD (-5,69%) còn 81,94 USD/thùng. Chuyên gia phân tích Stephen Brennock của PVM nhận định: “Bóng ma của một cuộc suy thoái nhu cầu trên khắp thế giới phương Tây đang gần trở thành hiện thực hơn khi lạm phát tăng vọt và lãi suất cao ảnh hưởng đến tiêu dùng”. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch vào ngày thứ Ba (06/9) cho biết việc ngừng hoạt động đường ống dẫn Nord Stream 1 đã làm tăng khả năng suy thoái ở khu vực đồng Euro. Ngoài ra, dữ liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc trong bối cảnh chính sách zero-Covid-19 nghiêm ngặt của nước này cùng làm tăng thêm lo ngại về nhu cầu. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 8 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu hải quan cho thấy vào ngày thứ Tư. 
  • Giá vàng phục hồi nhờ đồng USD giảm nhẹ từ mức cao nhất trong 2 thập kỷ, và khi những người săn lùng món hời tận dụng đà giảm gần đây của giá vàng, tuy nhiên, triển vọng của kim loại quý vẫn mờ nhạt bởi khả năng nâng lãi suất quyết liệt. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,9% lên 1.716,59 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,9% lên 1.727,80 USD/oz. Chỉ số đồng USD (ICE U.S Dollar Index) - thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – chạm mức cao nhất trong 20 năm, làm vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người mua nước ngoài. Tuy nhiên, đà giảm nhẹ từ mức đỉnh vào cuối phiên của đồng USD dường như mang lại một số hỗ trợ cho vàng. David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho rằng động thái của vàng “là sự kết hợp giữa một chút nhu cầu trú ẩn an toàn và mua vào khi giá giảm”, trong khi những rào cản từ đồng USD và một Fed quyết liệt vẫn tồn tại. 
Bản tin phái sinh 08/09/2022 - Thanh khoản tăng, áp lực short đang tăng lên
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang