Ngày đăng: 08/08/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ trồi sụt trong phiên biến động ngày thứ Sáu (05/8), sau khi báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ tốt hơn nhiều so với dự báo, khi nhà đầu tư đánh giá thị trường lao động mạnh mẽ có ý nghĩa như thế nào đối với chiến dịch thắt chặt lãi suất của Fed. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tiến 76,65 điểm (+0,23%) lên 32.803,47 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn giảm trong tuần qua bất chấp đà tăng ngày thứ Sáu. Trong khi, chỉ số S&P 500 lùi 0,16% xuống 4.145,19 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 0,50% còn 12.657,56 điểm. Dẫu vậy, cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều ghi nhận sắc xanh trong tuần đầu tiên của tháng 8. Báo cáo việc làm vào ngày thứ Sáu là một báo cáo quan trọng vì nó là một trong hai báo cáo mà ngân hàng trong ương sẽ xem xét trước khi quyết định nâng lãi suất bao nhiêu tại cuộc họp tháng 9. Thật vây, nhà đầu tư đã dự báo Fed sẽ có lập trường cứng rắn hơn. Các nhà hoạch định chính sách sẽ có một báo cáo việc làm khác và 2 báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng CPI nữa để cân nhắc trước khi đưa ra quyết định lãi suất tiếp theo.
- Giá dầu đóng cửa tăng trong phiên cuối tuần, giảm bớt mức sụt giảm trong tuần này bởi số liệu tăng trưởng việc làm của Mỹ mạnh, nhưng đóng cửa tuần này ở mức thấp nhất kể từ tháng 2. Kết phiên, dầu Brent tăng 80 US cent lên 94,92 USD/thùng, tính chung cả tuần giảm 11%. Dầu thô WTI tăng 47 US cent lên 89,01 USD/thùng, giảm 8% trong tuần này. Trong tuần này các nhà kinh doanh dầu mỏ lo lắng về lạm phát, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhưng các dấu hiệu nguồn cung thắt chặt khiến giá dầu ở mức thấp. Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các nhà khoan dầu đã giảm 7 giàn xuống 598 giàn trong tuần này tính tới ngày 5/8, tuần sụt giảm đầu tiên trong 10 tuần. Lo ngại về suy thoái ngày càng tăng kể từ khi Ngân hàng Anh cảnh báo sự sụt giảm kinh tế kéo dài sau khi họ nâng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1995. Ngoài ra, nguồn cung vẫn khá hạn chế. Lo ngại về nguồn cung dự kiến sẽ tăng lên vào gần mùa đông, với các lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu cấm nhập khẩu đường biển với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga có hiệu lực vào ngày 5/12.
- Giá vàng tiếp tục giảm gần 1% do báo cáo việc làm mạnh bất ngờ của Mỹ làm giảm lo lắng về suy thoái và dập tắt suy đoán Cục dự trữ Liên bang sẽ xoay chuyển khỏi việc thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực của mình. Vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.775,09 USD/ounce, sau khi giảm khoảng 1,5% trong đầu phiên. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 0,9% xuống 1.791,2 USD/ounce. Bức tranh việc làm tích cực giúp Fed có thêm khả năng tăng lãi suất mà không có nguy cơ đẩy nền kinh tế này vào suy thoái, và đà tăng của giá vàng có thể bị hạn chế ở mức 1.800 USD, theo nhà phân tích thị trường Rupert Rowling tại Kinesis Money. Chỉ số USD tăng 0,8% khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng đồng tiền tệ khác. Trên thị trường vàng giao ngay, giá vàng tăng tại Trung Quốc trong tuần này do nhu cầu trú ẩn an toàn khi căng thẳng với Mỹ về Đài Loan ngày càng tăng.