Ngày đăng: 08/04/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ phục hồi sau 2 phiên giảm liên tiếp, khi nhà đầu tư đánh giá lại các kế hoạch mới nhất của Fed nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ và đối phó với lạm phát gia tăng. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tiến 87,06 điểm (+0,25%) lên 34.583,57 điểm sau khi giảm tới 300 điểm vào đầu phiên. Chỉ số S&P 500 cộng 0,43% lên 4.500,21 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,06% lên 13.897,30 điểm sau khi giảm 2 phiên liên tiếp. Động thái của thị trường trong ngày thứ Năm diễn ra sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 3 vào ngày 06/4, cho thấy các quan chức đã lên kế hoạch cắt giảm hàng tỷ USD nắm giữ trái phiếu với giá trị khoảng 95 tỷ USD. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách chỉ ra rằng một đợt nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản hoặc hơn có thể được thực hiện để đối phó lạm phát gia tăng. Các quan chức “nhìn chung thống nhất” rằng tối đa 60 tỷ USD trái phiếu và 35 tỷ USD chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp sẽ được phép tung ra, theo từng giai đoạn trong hơn 3 tháng và có thể bắt đầu vào tháng 5.
- Giá dầu giảm, nối dài đà giảm trong tuần do sự không chắc chắn rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ có thể trừng phạt có hiệu quả hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga và sau khi các quốc gia tiêu thụ thông báo giải phóng lượng lớn dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 49 xu (-0,5%) xuống 100,58 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI mất 20 xu (-0,6%) còn 96,03 USD/thùng. Trong phiên trước đó, cả 2 hợp đồng đều sụt hơn 5% xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 16/3/2022. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Josep Borrell, nói trong một cuộc họp NATO rằng các biện pháp trừng phạt mới của EU, bao gồm lệnh cấm đối với than đá Nga, có thể được thông qua vào ngày thứ Năm hoặc thứ Sáu (08/4) và khối này sẽ thảo luận về lệnh cấm vận dầu mỏ tiếp theo. Tuy nhiên, lệnh cấm than đá sẽ có hiệu lực hoàn toàn từ giữa tháng 8/2022, chậm hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu. Bob Yawger, Giám đốc các hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho, nhận định: “Không ai muốn tự làm khó mình và trừng phạt ngành năng lượng Nga, vốn đang thúc đẩy thị trường leo cao”.
- Giá vàng khởi sắc khi lo ngại lạm phát gia tăng do cuộc chiến Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga đã lấn át áp lực từ lập trường chính sách tích cực của Fed. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,3% lên 1.930,80 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,6% lên 1.934,4 USD/oz. Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Mặc dù có gợi ý từ Fed rằng họ muốn nâng lãi suất nhanh hơn trong tương lai, nhưng mặt khác, chúng ta vẫn thấy lạm phát đang tăng”. Biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed cho thấy mối quan ngại sâu sắc của các nhà hoạch định chính sách rằng lạm phát đã lan rộng khắp nền kinh tế, với “nhiều” người tham gia chuẩn bị nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách sắp tới. Lập trường “diều hâu” của Fed đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và đồng USD tiến lên mức cao trong nhiều năm.